Khắc phục tình trạng ‘‘tìm cớ, tìm lý do để không làm việc’’

NDO - Ngày 11/12, tại cuộc tiếp xúc với đông đảo cử tri huyện Gia Bình, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh thẳng thắn nhìn nhận: Trong nguyên nhân tăng trưởng âm, có tình trạng cán bộ ‘‘tìm cớ, tìm lý do để không làm việc’’.
0:00 / 0:00
0:00
Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Bình.
Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh cùng các đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri tại huyện Gia Bình.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh vừa kết thúc đợt tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV. Cử tri tỉnh Bắc Ninh đánh giá cao khi tại kỳ họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có 11 lượt ý kiến phát biểu tại tổ; 2 ý kiến thảo luận tại hội trường; 3 đại biểu chất vấn. Qua đó, đã kịp thời phản ánh, tâm tư kiến nghị cử tri với Quốc hội, Chính phủ.

Kiên định chính sách phát triển

Cử tri Bắc Ninh đã dành nhiều thời gian để gửi tới các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo tỉnh các vấn đề đang là mối quan tâm của đông đảo người dân.

Bức xúc trước tình trạng khói bụi của Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại đặt trên địa bàn tỉnh Hải Dương gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống nhân dân của một số xã thuộc huyện Gia Bình, cử tri đề nghị tỉnh kiến nghị với các cơ quan chức năng kiểm tra, sớm khắc phục tình trạng trên.

Cử tri thành phố Từ Sơn kiến nghị với Quốc hội và các cơ quan chức năng Trung ương, địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông; tạo điều kiện thuận lợi để người dân được vay vốn với lãi suất ưu đãi từ nhiều nguồn; có chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề gỗ mỹ nghệ; hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm làng nghề; phát triển du lịch làng nghề…

Dành nhiều sự quan tâm tới sự tình hình kinh tế- xã hội của địa phương, cử tri Bắc Ninh mong muốn tỉnh sẽ có các biện pháp tích cực, kịp thời để thúc đẩy kinh tế phát triển, khắc phục tình trạng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước giảm 9,28%-mức giảm sâu nhất trong 10 năm trở lại đây.

Khắc phục tình trạng ‘‘tìm cớ, tìm lý do để không làm việc’’ ảnh 1

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh phát biểu tại cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Gia Bình.

Trao đổi với đông đảo cử tri huyện Gia Bình, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã gửi lời cảm ơn về những ý kiến tâm huyết, thẳng thắn và trách nhiệm, những đề xuất, kiến nghị thiết thực đối của cử tri đối với Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và địa phương.

Thông tin với cử tri về tình hình kinh tế-xã hội địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh nhấn mạnh: Trong bối cảnh hết sức khó khăn, kinh tế tăng trưởng âm nhưng Bắc Ninh vẫn kiên định mục tiêu phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao, sản xuất thông minh, sản xuất xanh.

Làm rõ hơn nguyên nhân sự sụt giảm kinh tế trên địa bàn, đồng chí cho biết, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh cuối năm đã nhìn nhận, đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về nguyên nhân chủ quan, vẫn còn có những cán bộ chưa nỗ lực cố gắng, ‘‘tìm cớ, tìm lý do để không làm việc’. Trong lúc tỉnh tăng trưởng âm thì vẫn có cán bộ bê trễ công việc, cắt xén giờ làm, đi muộn về sớm, thậm chí bỏ đi chơi - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh thẳng thắn nhìn nhận.

Đồng chí cho biết, hiện nay cơ cấu kinh tế công nghiệp của tỉnh đang chiếm hơn 78%. Trong thời gian tới, tỉnh đang có giải pháp căn cơ, đồng bộ, trên cơ sở các quy hoạch đã được phê duyệt để đẩy mạnh phát triển đô thị gắn với phát triển thương mại dịch vụ, nâng cao tỷ trọng của ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế. Phấn đấu trước năm 2030 tỉnh Bắc Ninh đạt tiêu chí đô thị loại I và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh bày tỏ mong muốn cử tri và người dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, phát huy nội lực, tích cực đóng góp xây dựng quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc ngày một hiện đại, văn hiến, văn minh.

Xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật

Tại các cuộc tiếp xúc, cử tri Bắc Ninh đã có nhiều kiến nghị, góp ý trong công tác xây dựng luật. Cử tri huyện Gia Bình phản ánh, trên địa bàn đang có 57 tổ chức, cá nhân nuôi cá lồng trên sông Đuống với 830 lồng nhưng công tác quản lý hiện gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, ảnh hưởng đến đê, kè, công tác phòng, chống thiên tai và quy hoạch.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét sửa đổi Luật Thủy sản, Nghị định số 26/NĐ-CP ngày 8/9/2019 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều thi hành Luật Thủy sản về hồ sơ đăng ký cấp giấy xác nhận nuôi trồng thủy sản lồng bè theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, gắn với trách nhiệm quản lý của chính quyền địa phương và bảo đảm đúng quy hoạch và các nhiệm vụ chính trị khác.

Mong muốn cần có giới hạn cụ thể về nồng độ cồn để áp dụng chế tài xử phạt, cử tri Nguyễn Văn Hùng, ở xã Tam Đa, huyện Yên Phong kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét nên có chỉ số giới hạn quy định mức vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Đánh giá chủ trương đưa công an chính quy về xã đã phát huy hiệu quả, cử tri huyện Yên Phong đề nghị cần tăng thêm biên chế đội ngũ công an chính quy tại xã để có thể sớm xử lý các phát sinh ngay tại cơ sở, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh trật tự trên địa bàn.

Khắc phục tình trạng ‘‘tìm cớ, tìm lý do để không làm việc’’ ảnh 2

Cử tri Bắc Ninh gửi gắm tâm tư, kiến nghị tới các đại biểu Quốc hội tỉnh.

Góp ý về Luật Nghĩa vụ quân sự, cử tri Bắc Ninh đề nghị xem xét sửa đổi, điều chỉnh một số nội dung liên quan đến việc tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ theo hướng tăng số lượng công dân nhập ngũ, giảm thời gian tại ngũ và có chế tài chặt chẽ đối với công dân thuộc diện khám tuyển nghĩa vụ quân sự cũng như trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác phối hợp về quản lý công dân trong diện khám tuyển.

Trước tình trạng "được mùa mất giá, được giá mất mùa", cử tri Bắc Ninh đề nghị Quốc hội, Chính phủ và tỉnh cần có giải pháp cũng như chính sách bảo đảm giá cả đầu ra cho nông sản, giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Đồng thời cần có chính sách về công tác quy hoạch vùng chuyên canh nông sản gắn với thế mạnh từng vùng, từng khu vực, từng địa phương.