Khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học sinh

Theo số liệu khảo sát sức khỏe của học sinh lớp 5 tại một số quận, huyện ở Hà Nội tiến hành năm 2023 công bố mới đây, tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì của nhiều trường tiểu học tại Hà Nội ở mức cao.
0:00 / 0:00
0:00

Cụ thể, Trường tiểu học Dịch vọng B (quận Cầu Giấy) có 45,5% số học sinh lớp 5 bị thừa cân, béo phì. Tại Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông), tỷ lệ này là 49,5%, tại Trường tiểu học La Thành (quận Đống Đa) là 55,7%...

Các trường ở khu vực ngoại thành có tỷ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì thấp hơn các trường ở khu vực nội thành, nhưng cũng lên tới hơn 20%, như ở Trường tiểu học Hiền Ninh (huyện Sóc Sơn) là 20,9%, ở Trường tiểu học Tản Lĩnh (huyện Ba Vì) là 26,8%, Trường tiểu học Quang Trung (huyện Phú Xuyên) là 31,1%...

Tình trạng thừa cân, béo phì dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng khác, khi xét nghiệm 500 trẻ béo phì, có từ 35-50% trẻ bị rối loạn mỡ máu. Nguyên nhân của tình trạng này theo các chuyên gia dinh dưỡng là do chế độ ăn của trẻ không hợp lý, thừa năng lượng, thiếu vi chất; trẻ thiếu hoạt động thể lực, sử dụng thực phẩm nhiều đường.

Đối với các em học sinh, dinh dưỡng đến từ các bữa ăn bán trú ở trường, bữa ăn tại gia đình và đồ ăn đường phố. Về bữa ăn bán trú, hầu hết các trường học, nhất là các trường tiểu học, đều tổ chức hợp đồng với các đơn vị cung ứng suất ăn để cung cấp cho học sinh. Tuy nhiên, bên cạnh một số đơn vị thực hiện nghiêm túc, thì còn không ít đơn vị do chạy theo lợi nhuận, tổ chức bữa ăn không bảo đảm dinh dưỡng, khiến trẻ bị đói, thậm chí là bị ngộ độc thực phẩm.

Trong khi đó, tại gia đình, không ít cha mẹ, ông bà tổ chức các bữa cơm mất cân đối, cho con ăn quá nhiều thịt, nhiều đồ chiên, rán, ít rau, củ, quả; trẻ lại ít được vận động do các trường tiểu học, nhất là các trường trong nội thành chật chội, số học sinh đông, cho nên ưu tiên xây phòng học, không còn đất để xây dựng nhà hoạt động thể chất, sân chơi. Chưa kể áp lực học tập, thi cử khiến học sinh ngoài giờ học chính khóa lại tiếp tục học thêm các môn văn hóa, kỹ năng sống, hầu như các em không còn thời gian để tập thể dục, thể thao, dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì.

Để khắc phục tình trạng thừa cân, béo phì ở lứa tuổi học sinh tiểu học, tạo nền tảng tốt cho các em phát triển, trở thành những công dân khỏe mạnh, thì cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, không chỉ tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng cân đối, hợp lý trong gia đình, các bữa ăn bán trú tại trường, mà còn cần tổ chức chương trình giáo dục cân đối hơn giữa việc dạy và học các môn văn hóa với các môn giáo dục thể chất.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền cần rà soát quy hoạch để điều chỉnh, bổ sung theo hướng ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng các trường học. Với những trường học trong nội thành khó khăn quỹ đất, cần cho phép các trường nâng tầng để bảo đảm tiêu chí diện tích sân chơi, nhà thể chất cho học sinh, tạo cơ sở vật chất tốt để các em phát triển thể chất cân đối, khỏe mạnh.