Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp

Với những yêu cầu mới trong lần đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 3, lớp 7 và lớp 10, nhiều quận, huyện Hà Nội đã chủ động tìm biện pháp khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh lớp 3 tại Trường tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây. (Ảnh NGUYỄN LƯỢNG)
Giờ học của học sinh lớp 3 tại Trường tiểu học Trần Phú, thị xã Sơn Tây. (Ảnh NGUYỄN LƯỢNG)

Bước vào năm học mới 2022-2023, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân, Phạm Gia Hữu cho biết, các trường trong quận đã hoàn thành sắp xếp, ký hợp đồng giáo viên bảo đảm đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, bước đầu khắc phục khó khăn do thiếu giáo viên dạy Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học, giáo viên dạy các môn “tích hợp” cấp trung học cơ sở. Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, Hà Đông thiếu rất nhiều giáo viên như nhiều địa phương trên cả nước. Biện pháp quận đưa ra là ký hợp đồng tuyển dụng với giáo viên về hưu, cũng như giáo viên trẻ mới ra trường để kịp thời đáp ứng yêu cầu về sự gia tăng học sinh, trường lớp, cũng như yêu cầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trước tình hình thiếu giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học, bà Trần Thị Thanh Huế - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sóc Sơn chia sẻ, huyện còn thiếu chín giáo viên Tiếng Anh cấp tiểu học. Phòng Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo lãnh đạo huyện để hợp đồng với sinh viên sư phạm tốt nghiệp đúng chuyên ngành. Trước mắt, những trường thiếu giáo viên Tiếng Anh sẽ phải bố trí, động viên giáo viên Tiếng Anh hiện có dạy tăng số tiết và có cơ chế trả tiền dạy tăng giờ.

Nếu như bậc tiểu học gặp khó khăn trong việc tăng cường giáo viên Tin học và Tiếng Anh, thì với bậc trung học phổ thông, các trường đều phải đối mặt với việc không có giáo viên Mỹ thuật, Âm nhạc. Ông Đoàn Minh Châu, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho biết: "Nhà trường gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy hai bộ môn này do chưa có phòng âm nhạc, cùng với đó, nhà trường cũng chưa có giáo viên dạy Mỹ thuật, Âm nhạc".

Tương tự, bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) cho biết, trường chưa thể triển khai đăng ký lựa chọn môn Âm nhạc và Mỹ thuật đối với học sinh lớp 10 do giáo viên hai môn này chưa có trong số giáo viên biên chế của trường và cũng chưa thể tuyển dụng kịp cho năm học này. Bên cạnh đó, về việc những bộ môn học sinh ít lựa chọn thì số giáo viên có thể bị thừa ra, nhà trường cũng đã tìm được giải pháp khắc phục. Nhà trường đã động viên giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn các môn học bắt buộc đang thiếu giáo viên như hoạt động trải nghiệm, giáo dục địa phương…” - bà Nguyễn Bội Quỳnh chia sẻ.

Năm học 2021-2022, tổng số viên chức ngành giáo dục của thành phố Hà Nội còn thiếu so với định mức cần do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 7.134 biên chế. Năm học 2022-2023, do có thêm một số trường mới thành lập, cho nên số viên chức ngành giáo dục còn thiếu so với định mức là 3.131 người. Như vậy, năm học 2022-2023, thành phố thiếu 10.265 biên chế viên chức, trong đó số giáo viên thiếu của bậc tiểu học là 3.436 người, bậc trung học cơ sở là 3.135 người, bậc trung học phổ thông là 1.311 người.

Nhằm khắc phục tình trạng này, Hà Nội được giao bổ sung 2.362 biên chế trong năm học này. Ủy ban nhân dân thành phố đề xuất phân bổ cho bậc tiểu học 600 người, trung học cơ sở 1.209 và trung học phổ thông 452. Trong đó, Hà Nội ưu tiên các trường, khu vực có số học sinh tăng mạnh, thiếu nhiều giáo viên như các quận, huyện: Hoàng Mai, Hà Đông, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Đông Anh, Thanh Trì, Chương Mỹ, Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức, Mê Linh. Sau nhóm này, thành phố sẽ xét tới khu vực có số học sinh tăng vừa và thiếu ít giáo viên hơn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, thành phố sẽ nghiên cứu triển khai cơ chế “đặt hàng” dịch vụ từ các cơ sở giáo dục để đáp ứng nhu cầu của người dân. Cùng với đó, Hà Nội sẽ triển khai cơ chế để các trường có thể tiến tới tự chủ, trong đó có việc tự chủ về tuyển dụng giáo viên, giải quyết vấn đề thiếu giáo viên ■