Sáng nay (9/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2023.
Tham gia thảo luận tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các báo cáo trình Quốc hội cần ngắn gọn, súc tích, xác thực, khách quan, có trọng tâm, trọng điểm, có thêm các định lượng để “các con số tự nói lên tất cả”.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đánh giá tình hình, thực trạng cần cân đối các nội dung về kinh tế và các lĩnh vực xã hội; đồng thời cho rằng thành tựu nhận diện không đầy đủ sẽ không được, nhưng không nhận diện đúng, đủ hết hạn chế, khuyết điểm thì lại càng nguy hiểm hơn, không thấy được mặt tốt để phát huy và những gì cần phải khắc phục.
Theo Chủ tịch Quốc hội, với năm 2022 và những tháng đầu năm 2023 cần nhấn mạnh điểm sáng cơ bản là giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, suy giảm động lực và tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu rất rõ từ quý III/2022. “Quý III tăng trưởng 13,7%, sang đến quý IV còn có 5,9%, bắt đầu sang quý I năm nay còn 3,32%, rơi gần như thẳng đứng. Tới đây, nhiệm vụ là phải đánh giá, dự báo xem đã xuống đáy chưa và bắt đầu có chiều hướng đi lên không hay vẫn tiếp tục xuống”, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Đồng tình với nhiều đánh giá về hạn chế, tồn tại, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan là gì để có giải pháp phù hợp, bám sát Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Trung ương.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, các chuyên gia, nhà khoa học hiện nay góp ý nhiều là phải tập trung vào cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, công vụ.
Tạo thuận lợi môi trường kinh doanh - "Bệ đỡ" cho doanh nghiệp
“Cần khắc phục một bộ phận (cán bộ), chưa biết là lớn hay nhỏ, cả Trung ương và địa phương lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm. Việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên. Những việc này có phải là nguyên nhân chính, chủ yếu bây giờ không, cứ phải nói thẳng ra rồi tập trung vào khâu yếu này”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cần khắc phục một bộ phận (cán bộ), chưa biết là lớn hay nhỏ, cả Trung ương và địa phương lẩn tránh, né tránh trách nhiệm, sợ sai, không chịu làm, đùn đẩy trách nhiệm. Việc của mình đẩy cho người khác, việc cấp dưới thì đẩy cho cấp trên.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm cũng là vấn đề được các ý kiến khác tại phiên thảo luận đề nghị phải quyết liệt khắc phục.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, Chính phủ vừa qua có Công điện 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương, theo đó yêu cầu trong tháng 5 này phải báo cáo rõ những chuyển biến, những tiến bộ, những nơi làm không tốt.
Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh tham gia ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo bà Thanh, thời gian tới cần xử lý được một số trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để giải quyết câu chuyện cầm chừng và sợ trách nhiệm hiện nay đang khá phổ biến ở các địa phương, các ngành.
Báo cáo thêm tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, khó khăn chủ yếu từ bên ngoài, nhưng bên trong khó nhất là tâm lý thị trường, niềm tin xã hội, né tránh trách nhiệm của cán bộ thực thi các cấp.
Bộ trưởng dẫn số liệu cho thấy, riêng năm 2022, TP Hồ Chí Minh hỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư 584 văn bản. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải trả lời là 604 văn bản, nhưng vấn đề ở đây là tất cả các nội dung hỏi đều thuộc thẩm quyền của thành phố.
“Đấy là một hiện tượng né tránh, đùn đẩy, đá bóng, đá lên trên xong lại ngồi chờ, tức là không làm gì”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, đồng thời cho biết giai đoạn 2018-2021 TP Hồ Chí Minh cấp trung bình khoảng 70 dự án bất động sản mỗi năm, nhưng trong 2 năm vừa qua thành phố chỉ cấp có 8, tức là “hầu như đứng bóng, không làm gì”.
“Tôi cho rằng có lẽ vấn đề lớn nhất hiện nay là cán bộ các cấp sợ, né tránh, đùn đẩy và lẩn tránh không làm”, Bộ trưởng nêu quan điểm.
Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đấy là vấn đề chúng tôi rất lo ngại.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Phân tích khó khăn của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập vấn đề dòng tiền, điều hành tín dụng có lúc thả ra quá nhanh, có lúc lại siết quá chặt nên gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Nhiều doanh nghiệp lớn cho biết đã phải bán gần hết tài sản, giá bán chỉ bằng 50% giá thực. Người mua toàn là người nước ngoài. Chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều lần về việc thâu tóm của nước ngoài, rất nguy hiểm, nhất là đối với những doanh nghiệp lớn mà chúng ta cần phải giữ, cần phải hỗ trợ để cho nền kinh tế. Đấy là vấn đề chúng tôi rất lo ngại”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cho biết, mấy năm nay, thể chế đã cải thiện, cải tiến rất nhiều để giảm các điều kiện kinh doanh và các loại kinh doanh có điều kiện, nhưng bây giờ thông qua các văn bản của các bộ, ngành, các địa phương đã phát sinh ra hàng nghìn thủ tục mới, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi đã giao cho Viện Quản lý kinh tế Trung ương là đơn vị chuyên theo dõi vấn đề này đang tổng rà soát lại xem các văn bản của các bộ, ngành cái nào trái quy định, cái nào đi ngược với các quy định của luật pháp, hạn chế quyền của người dân và doanh nghiệp. Đây là một vấn đề rất lớn hiện nay, nó làm cản trở và làm ách tắc tất cả các hoạt động của nền kinh tế hiện nay”, Bộ trưởng nêu rõ.