Theo đó, trước việc hàng loạt cán bộ bị kỷ luật, bị khởi tố, truy tố về những sai phạm nghiêm trọng trong quá trình điều hành, quản lý trước đây… đã xuất hiện cán bộ chủ chốt có trạng thái "giữ an toàn", điều hành công việc chung chung; đùn đẩy trách nhiệm phê duyệt, quyết định chủ trương; né tránh việc khó, việc ít đem đến lợi lộc cá nhân… Có đại biểu nêu ý kiến, thực trạng này có thể dẫn đến sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến cơ sở.
Đáng chú ý, có ý kiến cho rằng, hiện nay, có cán bộ chủ chốt làm việc gì cũng sợ sai, làm xong rồi cũng không biết có sai hay không, nếu sai cũng không biết sai chỗ nào… Tình trạng này rất đáng lưu ý và nếu không có các giải pháp cụ thể hơn sẽ dẫn tới phổ biến, gây những hệ lụy lớn đối với tình hình kinh tế-xã hội đất nước. Nguyên nhân của thực trạng trên là do năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật liên quan để tránh làm sai; người có thẩm quyền quyết định thiếu chuyên môn nhưng không tin tưởng cấp dưới; cấp dưới có trình độ còn hạn chế, làm việc thụ động, sợ trách nhiệm cho nên trông chờ ý kiến của cấp trên; việc lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ chưa chính xác…
Đảng, Nhà nước luôn coi trọng những cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và đây là những người cần được bảo vệ, biểu dương, tôn vinh. Nhưng quan trọng trong đó, mỗi cán bộ chủ chốt cần hiểu rằng, dám nghĩ, dám làm không đồng nghĩa với làm liều và vi phạm các quy định của pháp luật. Người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ được bảo vệ, được chia sẻ khó khăn nếu người đó điều hành, quyết định các chủ trương, công việc với tinh thần vì dân, vì nước, trong sáng, không vụ lợi. Khi gặp khó khăn, thậm chí thất bại, rủi ro, người cán bộ đó sẵn sàng chịu trách nhiệm, không đùn đẩy, không né tránh. Đất nước ta, xã hội ta đang rất cần trong thực tế nhiều hơn nữa những con người như vậy.
Tuy nhiên để người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm không "cô đơn" trên con đường của mình, các cơ quan chắc năng cần tiếp tục cụ thể hóa chủ trương, kết luận của Đảng về nội dung này; nghiên cứu, ban hành các quy định của pháp luật về bảo vệ người năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Các quy định này cần cụ thể, rõ ràng, minh bạch để mỗi người tự soi xét và khẳng định quyết tâm của mình trong điều hành, xử lý công việc chung.
Đối với những công việc cấp bách, có tác động kinh tế, xã hội, cần có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cơ quan chuyên môn, để từ đó có sự thống nhất về chủ trương, quyết định phù hợp các quy định khác nhau của pháp luật. Tránh hiện tượng giữ an toàn cho ngành mình, công việc của mình, không chia sẻ, quan tâm công việc của ngành khác, của người khác, không vì lợi ích chung. Bên cạnh đó, cần có chính sách thường xuyên cập nhật, nâng cao trình độ cho cán bộ; tăng cường hơn nữa sự tham gia hỗ trợ của các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong công tác phòng ngừa, cảnh báo.
Muốn có cán bộ tốt, sẵn sàng vì lợi ích của đất nước, của nhân dân, chúng ta cần chính sách, cơ chế cụ thể, rõ ràng và đủ mạnh để có thể là chỗ dựa, là niềm tin cho người cán bộ quyết tâm giải quyết những nút thắt, rào cản, sự lỗi thời, những vấn đề tồn đọng lâu ngày... đang kìm hãm sự phát triển. Đồng thời, cần có cơ chế xử lý, kỷ luật nghiêm minh đối với những hành vi lợi dụng chủ trương khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm để tiến hành những hành vi vì lợi ích cá nhân, chia bè kết nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ và phức tạp tình hình…
Chúng ta cũng luôn cần những đồng chí lãnh đạo công tâm để có thể nhìn nhận, đánh giá đúng, biểu dương kịp thời và bảo vệ đến cùng những người năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.