Tại phiên họp, đồng chí Vũ Hồng Thanh cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất quan trọng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tổ chức rất nhiều hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện dự thảo. Đến nay dự thảo luật còn 12 nội dung lớn vẫn có ý kiến khác nhau.
Cụ thể là các nội dung như: Phân loại đất, quy định về Thủ tướng Chính phủ ban hành khung chính sách về hỗ trợ đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quyền của đơn vị sự nghiệp công lập lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; tiêu chí thu hồi và đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở thương mại, công trình thương mại, công trình dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Việc thu hồi đất để xây dựng công trình tôn giáo; mức phân bổ tối thiểu 10% nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hằng năm của địa phương cho Quỹ phát triển đất; các quy định liên quan đến thu hồi đất chưa có trong quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, quy hoạch sử dụng đất an ninh; áp dụng phương pháp thặng dư để định giá đất.
Việc cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; thời điểm giao đất đối với dự án đầu tư trên đất lấn biển sử dụng vốn của nhà đầu tư (vốn ngoài ngân sách nhà nước); việc một số nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai của các nghị quyết của Quốc hội.
Góp ý về dự thảo luật, các đại biểu đã thảo luận các nội dung nhằm bảo đảm thể chế hóa đầy đủ quan điểm, nội dung của Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến tập trung góp ý về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm, quy định làm sao để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí quỹ đất đang do các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý nhưng cần bảo đảm chặt chẽ, dự thảo luật cần sửa đổi theo hướng: đơn vị sự nghiệp công lập khi lựa chọn hình thức thuê đất trả tiền hằng năm thì không được bán và góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê trong hợp đồng thuê.
Tuy nhiên, quy định này cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa để phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, bảo đảm chặt chẽ; đề nghị đơn vị sự nghiệp công lập trong trường hợp này không được thế chấp tài sản gắn liền với đất thuê để bảo toàn tài sản công.
Về điều kiện chuyển nhượng đất trồng lúa, các ý kiến đề nghị cần quy định làm sao để bảo đảm đối tượng nhận chuyển nhượng đất trồng lúa sử dụng đúng mục đích sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng đầu cơ, thu gom đất trồng lúa.
Dự thảo luật cần bổ sung quy định theo hướng chặt chẽ hơn như cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng lúa thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định...