Trước đó, Báo Nhân Dân số ra ngày 11 và 12/10/2020 đăng loạt bài "Gian nan hành trình xác định danh tính liệt sĩ" phản ánh việc các liệt sĩ hy sinh trong giai đoạn 1971-1972 tại Viện K20, thuộc địa bàn xã Ochalong, huyện Siem Bouk, tỉnh Stung Treng, Vương quốc Campuchia đã được quy tập, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Ðức Cơ, tỉnh Gia Lai trong hai năm 2010 và 2011 (liệt sĩ K20), nhưng chưa được định danh, khiến các thân nhân gặp nhiều khó khăn trong việc tìm mộ người thân, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng sớm xác minh thông tin, lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ và thân nhân để xác định danh tính các liệt sĩ.
Ngày 4/1/2021, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Viện Pháp y quốc gia (Bộ Y tế) tổ chức lấy mẫu sinh phẩm hài cốt các liệt sĩ K20. Kết quả, 93 trong số 99 hài cốt liệt sĩ lấy được mẫu đủ điều kiện giám định ADN. Ngày 6/1/2021, Cục Người có công đã tiếp nhận 33 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ và chuyển đến Viện Pháp y quốc gia.
Tại Công văn số 1535/NCC-HSTTLS, ngày 18/11/2022, về việc trả lời Báo Nhân Dân, Cục Người có công cho biết: Ngày 22/9/2022, Viện Pháp y quốc gia gửi kết quả giám định về Cục Người có công. Theo đó, có 15 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu thân nhân liệt sĩ có liên quan huyết thống theo dòng mẹ. Sau đó, Cục Người có công tiếp nhận thêm 13 mẫu của thân nhân liệt sĩ và chuyển đến Viện Pháp y quốc gia.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về kết quả giám định ADN hài cốt liệt sĩ K20 đến thời điểm hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Ðức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết: Toàn bộ 93 mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ K20 đã được giám định ADN. Kết quả là hơn 80% số mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ thu được trình tự ADN để so sánh với thân nhân. Hiện nay, Viện Pháp y quốc gia nhận được khoảng 50 mẫu thân nhân các liệt sĩ K20 để so sánh với các mẫu hài cốt liệt sĩ. Năm 2022, Viện đã trả kết quả giám định ADN cho 15 trường hợp xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ cho Cục Người có công. Thế nhưng hiện tại, công việc đối chiếu trình tự ADN hài cốt liệt sĩ với các thân nhân đang tạm dừng vì Cục Người có công chưa có đơn giá giám định ADN hài cốt và thân nhân liệt sĩ, chưa thanh toán phí giám định ADN của năm 2021 và năm 2022. Vì vậy, Viện không có nguồn kinh phí tái đầu tư cho công tác giám định ADN hài cốt liệt sĩ. "Ðến thời điểm hiện tại, Viện Pháp y quốc gia còn hơn 3.000 mẫu sinh phẩm hài cốt chờ giám định, chủ yếu là mẫu hài cốt các liệt sĩ chưa định danh tại các nghĩa trang liệt sĩ và gần 200 mẫu của thân nhân".
Gần 80 ngôi mộ liệt sĩ K20 đã lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN từ tháng 1/2021 nhưng đến nay chưa có kết quả giám định ADN xác định được danh tính hài cốt liệt sĩ. |
Trong khi đơn vị tham gia giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang tạm dừng hoạt động này do thiếu kinh phí thì các thân nhân liệt sĩ K20 vẫn ngày đêm mong mỏi nhận được kết quả. Mở rộng tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ các gia đình liệt sĩ K20, thời gian qua, nhiều thân nhân liệt sĩ cũng có đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị thông báo kết quả giám định ADN để xác định phần mộ liệt sĩ của gia đình, đồng thời bày tỏ bức xúc do phải chờ đợi quá lâu.
Trong khi đơn vị tham gia giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ đang tạm dừng hoạt động này do thiếu kinh phí thì các thân nhân liệt sĩ K20 vẫn ngày đêm mong mỏi nhận được kết quả.
Ngày 7/5/2024, bà Nguyễn Thị Liệu, sinh năm 1965, là con đẻ liệt sĩ Nguyễn Ðình Luyện, ở phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương, đã có đơn gửi Cục Người có công và Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bạc Liêu. Trong đơn, bà Liệu cho biết, liệt sĩ Nguyễn Ðình Luyện hy sinh năm 1979, an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Thuận Yên, thuộc tỉnh Kiên Giang, sau đó được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, phần mộ liệt sĩ Nguyễn Ðình Luyện sai và thiếu thông tin. Theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, ngày 14/8/2023, gia đình bà Liệu đã phối hợp Ban Quản trang tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sĩ tại vị trí mộ 01, hàng E, khu A09, Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu, gửi về Cục Người có công để giám định ADN. Theo quy định tại Nghị định số 131/2021/NÐ-CP, thời gian tiến hành giám định ADN là 60 ngày, tuy nhiên, đến nay đã hơn 9 tháng, gia đình bà Liệu vẫn chưa nhận được thông báo kết quả.
Ngày 29/5/2024, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An cũng có Công văn số 2644/SLÐTBXH-NCC gửi Cục Người có công về việc đề nghị thông tin kết quả giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Nội dung công văn cho biết: Ngày 12/12/2022, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Long An có các công văn số: 52, 53, 54, đề nghị Cục Người có công giám định ADN xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ: Trần Văn Bảy, Nguyễn Văn Cơ, Hà Ðức Lăng theo đơn đề nghị của gia đình, nhưng đến nay chưa nhận được kết quả.
Ứng dụng công nghệ mới trong định danh hài cốt liệt sĩ
Việc giám định hài cốt liệt sĩ chậm trễ, kéo dài như trên có một phần nguyên nhân do đơn giá giám định theo quy định của Nhà nước không còn phù hợp thực tế. Tiến sĩ Nguyễn Ðức Nhự, Viện trưởng Viện Pháp y quốc gia cho biết, mức phí giám định mẫu hài cốt theo quy định của Bộ Tài chính thấp hơn nhiều so với chi phí thực tế hiện nay. Bên cạnh đó, những mẫu hài cốt liệt sĩ có chất lượng không tốt khi phân tích ADN không lên được trình tự đều không được chi trả phí giám định, gây khó khăn về tài chính cho cơ quan giám định, vì đây là dịch vụ giám định theo yêu cầu, Viện không thể có nguồn kinh phí chi trả cho công tác giám định này. Ðến nay, Viện Pháp y quốc gia chưa được thông báo về việc điều chỉnh đơn giá mới, chưa được thanh toán phí giám định trong hai năm 2021, 2022, gây khó khăn cho công tác giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.
Đài tưởng niệm Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. |
Bà Nguyễn Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Hồ sơ-Thông tin liệt sĩ (Cục Người có công) cho biết, hiện nay Cục Người có công chưa thanh toán chi phí giám định ADN mẫu hài cốt và thân nhân liệt sĩ trong ba năm: 2021, 2022, 2023 cho các đơn vị tham gia dịch vụ giám định do chưa xây dựng xong định mức kinh tế-kỹ thuật là căn cứ để ban hành đơn giá. Vì vậy, việc giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ K20 và giám định hài cốt các liệt sĩ do các sở lao động-thương binh và xã hội gửi về phải tạm dừng. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng thông tư quy định định mức kinh tế-kỹ thuật.
Hiện cả nước vẫn còn gần 180 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa tìm kiếm, quy tập được và gần 300.000 hài cốt liệt sĩ đã quy tập nhưng chưa xác định được danh tính. Năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) đặt mục tiêu tìm kiếm, quy tập khoảng 1.500 hài cốt liệt sĩ, giám định ADN khoảng 2.000 liệt sĩ.
Các liệt sĩ đã hy sinh trên dưới 50 năm, hài cốt chịu tác động nhiều từ môi trường bên ngoài, nếu không khẩn trương giám định ADN thì có thể không còn cơ hội xác định danh tính liệt sĩ.
Tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật, định mức chi phí thực hiện dịch vụ giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin, hoàn thành trong quý III/2024.