Hành trình gian nan
Năm bác Lê Thị Phú lên 10 tuổi thì gia đình nhận được giấy báo tử liệt sĩ Lê Hữu Ðức, hy sinh ngày 6/2/1968. "Từ khi biết tin bố tôi hy sinh, mẹ tôi không nguôi thương nhớ ông. Cũng vì khóc thương nhiều mà mắt mẹ tôi mờ dần đi, rồi không còn nhìn thấy gì nữa" - bác Phú nghẹn ngào kể: "Giấy báo tử ghi bố tôi hy sinh tại mặt trận phía nam nên bao nhiêu năm gia đình đi khắp nơi, nhưng không tìm thấy mộ. Cho đến năm 2021, gia đình mới biết tin hài cốt bố tôi được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam".
Tháng 8/2021, gia đình bác Phú vào NTLS thị xã Ðiện Bàn tìm mộ. Tại ngôi mộ số 10, hàng 2, lô 33, khu chính, trên bia mộ ghi: Liệt sĩ Lê Hữu Ðức, quê quán: Trung Hiện, Hà Tây, hy sinh năm 1968. Những thông tin khắc trên bia mộ đều trùng khớp với hồ sơ liệt sĩ Lê Hữu Ðức, chỉ có tên huyện là khác.
Tuy nhiên, theo lịch sử hành chính qua các thời kỳ thì tỉnh Hà Tây không có huyện Trung Hiện mà chỉ có huyện Tùng Thiện. Vì vậy, gia đình bác Phú tin tưởng rằng ngôi mộ này là của liệt sĩ nhà mình. "Gia đình tôi đã nhiều lần đến Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) Hà Nội đề nghị điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ Lê Hữu Ðức tại NTLS thị xã Ðiện Bàn nhưng không được giải quyết"-bác Phú cho biết.
Ngày 16/1/2023, Sở LÐ-TB và XH tỉnh Quảng Nam cũng có văn bản đề nghị Sở LÐ-TB và XH Hà Nội xem xét, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng đối với liệt sĩ Lê Hữu Ðức.
Tại Văn bản số 299, ngày 22/2/2023, Sở LÐ-TB và XH Hà Nội trả lời Sở LÐ-TB và XH tỉnh Quảng Nam như sau: Căn cứ Nghị định số 131 ngày 30/12/2021 của Chính phủ chỉ quy định quy trình, thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ đối với các trường hợp hồ sơ đã được sửa đổi, bổ sung thông tin theo quy định tại Ðiều 130 của Nghị định và trên cơ sở Quyết định điều chỉnh lại thông tin trong hồ sơ người có công của Sở LÐ-TB và XH nơi quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ (tại Ðiều 154), không có quy định về quy trình, thủ tục đính chính đối với các trường hợp thông tin trên bia mộ liệt sĩ có sự sai lệch so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ.
Sở LÐ-TB và XH TP Hà Nội đã có Công văn số 1356, ngày 28/6/2022, gửi Cục Người có công (Bộ LÐ-TB và XH) về việc đề nghị hướng dẫn thực hiện thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ. Tuy nhiên, cho đến nay, Cục Người có công vẫn chưa có văn bản trả lời.
97 tuổi, cụ Dương Văn Phủng, bố đẻ liệt sĩ Dương Trung Dũng, ở thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội vẫn ngồi cặm cụi viết đơn đề nghị xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Suốt mấy chục năm qua, cụ Phủng luôn ngóng trông, chờ đợi, hy vọng có ngày hài cốt con trai được trở về an nghỉ tại quê nhà.
Theo Giấy báo tử, liệt sĩ Dương Trung Dũng, sinh năm 1950, nguyên quán: Bình Vọng, Bạch Ðằng, Thường Tín, Hà Tây, nhập ngũ tháng 5/1967, hy sinh ngày 10/10/1969. Căn cứ Giấy xác nhận thông tin về nơi liệt sĩ hy sinh của Sư đoàn 312, Quân đoàn 1, liệt sĩ Dương Trung Dũng hy sinh tại mặt trận 31, cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng, Lào.
Cuối năm 2022, từ trang facebook Người đưa đò, gia đình cụ Phủng biết được thông tin, tại NTLS huyện Ðô Lương, tỉnh Nghệ An, có ngôi mộ ghi thông tin: Liệt sĩ Lương Chung Dũng, quê quán: Bạch Ðằng, Thường Tín, Hà Tây. Tuy nhiên, thực tế tại xã Bạch Ðằng không có liệt sĩ nào tên Lương Chung Dũng. Vì vậy gia đình cụ Phủng tin tưởng đây là mộ liệt sĩ Dương Trung Dũng và có đơn đề nghị Sở LÐ-TB và XH Hà Nội điều chỉnh thông tin ngôi mộ liệt sĩ Lương Chung Dũng tại NTLS huyện Ðô Lương. Tuy nhiên, Sở LÐ-TB và XH Hà Nội trả lời là không có quy định về quy trình, thủ tục đính chính đối với các trường hợp thông tin trên bia mộ liệt sĩ có sự sai lệch so với thông tin trong hồ sơ gốc của liệt sĩ.
Ðến nay, Báo Nhân Dân đã nhận được đơn phản ánh và kiến nghị của bảy gia đình liệt sĩ ở Hà Nội về những khó khăn, vướng mắc trong việc xác định HCLS và đính chính thông tin mộ liệt sĩ do thiếu thông tin và thông tin không chính xác.
Bác Ðinh Văn Biên ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội là em trai liệt sĩ Ðinh Văn Thăng cho biết: Liệt sĩ Ðinh Văn Thăng, sinh năm 1953, nguyên quán xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Sơn Bình, nhập ngũ tháng 1/1973, hy sinh tháng 2/1979 tại biên giới Tây Nam.
Sau 40 năm liệt sĩ Ðinh Văn Biên hy sinh, tháng 5/2022, gia đình mới biết tin mộ liệt sĩ đang nằm tại NTLS Dốc Bà Ðắc, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. "Khi chúng tôi tìm đến mộ để thắp hương, người quản trang cho biết, mấy chục năm qua không có ai đến nhận ngôi mộ này. Tuy nhiên, trên bia mộ lại ghi tên liệt sĩ là Ðinh Văn Thặng, quê quán ở Mỹ Ðức, Hà Sơn Bình nên gia đình băn khoăn không biết có đúng liệt sĩ nhà mình không".
Ðể xác minh thêm thông tin, bác Biên đã đến huyện Mỹ Ðức, Hà Nội tìm hiểu thì tại địa phương, không có liệt sĩ nào có tên Ðinh Văn Thăng hay Ðinh Văn Thặng. "Từ tháng 10/2022, chúng tôi đã nhiều lần đề nghị Sở LÐ-TB và XH và Cục Người có công xác định hài cốt liệt sĩ Ðinh Văn Thăng bằng phương pháp thực chứng và thực hiện đính chính thông tin trên bia mộ liệt sĩ, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết"-bác Biên chia sẻ.
Tháng 2/2023, gia đình liệt sĩ Trần Văn Hưởng ở xã An Phú, huyện Mỹ Ðức, Hà Nội biết được thông tin mộ liệt sĩ Trần Văn Hưởng an táng tại NTLS xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Tuy nhiên, trên bia mộ ghi là liệt sĩ Trần Văn Ương (là tên gọi ở nhà của liệt sĩ Trần Văn Hưởng). Sau khi có bản trích lục quân nhân Trần Văn Hưởng của Sư đoàn 2, UBND xã An Phú, huyện Mỹ Ðức đã xác nhận liệt sĩ Trần Văn Hưởng và liệt sĩ Trần Văn Ương là một người. Gia đình liệt sĩ Trần Văn Hưởng đã có giấy ủy quyền cho Trung tâm tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý gia đình liệt sĩ (Trung tâm MARIN) thu thập thông tin và kiến nghị xác định HCLS. Tuy nhiên do mộ vừa sai vừa thiếu thông tin cho nên Sở LÐ-TB và XH Hà Nội đã căn cứ vào Ðiều 138 của Nghị định số 131 không tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ Trần Văn Hưởng.
Cần sớm sửa đổi Ðiều 138 và 145 Nghị định số 131
Tại các NTLS trên cả nước hiện có hàng nghìn ngôi mộ có tên liệt sĩ, nhưng thiếu một phần hoặc toàn bộ thông tin khác để có thể xác định chính xác nhân thân liệt sĩ, như: quê quán, đơn vị, ngày hy sinh; hoặc sai một phần trong tên, họ, tên đệm, quê quán, ngày hy sinh… Trong hàng thập kỷ qua, nhiều gia đình liệt sĩ chỉ có thể đến thăm viếng, mà không thể làm thủ tục điều chỉnh, bổ sung thông tin để nhận phần mộ liệt sĩ của gia đình mình. Cũng vì điều này mà rất nhiều gia đình liệt sĩ đến nay vẫn chưa biết mộ người thân nằm ở đâu. Trong quá trình tìm kiếm, nhiều gia đình gần như bỏ cuộc.
Bà Ngô Thị Thuý Hằng, Giám đốc Trung tâm MARIN cho biết, thời gian qua có nhiều thân nhân, gia đình liệt sĩ liên hệ với trung tâm đề nghị trợ giúp pháp lý trong việc xác định HCLS còn thiếu thông tin, sai thông tin, hoặc vừa sai vừa thiếu. Hiện trung tâm đã xác định được danh tính sáu liệt sĩ nguyên quán tại Hà Nội bằng phương pháp thực chứng, nhưng do vướng mắc theo quy định tại Nghị định số 131 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, cho nên chưa được Sở LÐ-TB và XH Hà Nội giải quyết.
Ðơn cử, trường hợp liệt sĩ Lê Hữu Ðức, căn cứ Giấy báo tử, Giấy xác nhận thông tin về nơi hy sinh do Sư đoàn 2 cung cấp, thông tin mộ liệt sĩ tại NTLS thị xã Ðiện Bàn, tỉnh Quảng Nam, bằng phương pháp thực chứng có thể khẳng định chắc chắn rằng, ngôi mộ số 10, hàng 2, lô 33, khu chính NTLS thị xã Ðiện Bàn chính là mộ liệt sĩ Lê Hữu Ðức, nguyên quán: Tùng Thiện, Hà Tây. Tuy nhiên, Ðiều 138, Nghị định số 131 chỉ quy định cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc tìm kiếm, quy tập HCLS và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin. Vì vậy, những trường hợp HCLS sai thông tin đã không được cơ quan chức năng tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ.
Hiện nay, việc xác định danh tính HCLS hy sinh trong chiến tranh bằng phương pháp giám định ADN là một hành trình rất khó khăn và tốn kém nhiều thời gian, công sức, nhưng tỷ lệ tìm thấy rất ít do mẫu hài cốt đã phân hủy. Thế nên, những trường hợp sai thông tin, thiếu thông tin, nhưng có căn cứ xác định danh tính liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng thì cần được xem xét, giải quyết. Thời gian qua, Sở LÐ-TB và XH ở một số địa phương đã rất linh hoạt trong việc tiến hành thủ tục xác định danh tính liệt sĩ đối với các trường hợp sai thông tin, vừa sai vừa thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng.
"Trung tâm đã phản ánh tới lãnh đạo Cục Người có công nhiều lần nhưng chưa được quan tâm dẫn tới việc nhiều liệt sĩ không được xác định danh tính hài cốt"- bà Hằng cho biết.
Theo bà Ngô Thị Thúy Hằng, Nghị định số 131 quy định thiếu nhóm HCLS cần xác định danh tính và quy trình xác định danh tính còn bất hợp lý, gây lãng phí ngân sách nhà nước, vì vậy cần sớm được sửa đổi. Cụ thể, sửa đổi khoản 1, Ðiều 138 theo hướng: xác định danh tính HCLS còn thiếu thông tin, sai thông tin, vừa sai vừa thiếu thông tin hoặc chưa có thông tin; sửa đổi điểm b, khoản 1, Ðiều 145 theo hướng: xác nhận quản lý 01 hồ sơ hoặc nhiều hơn và ban hành phiếu chuyển hồ sơ đề nghị xác định danh tính HCLS kèm bản sao Giấy báo tử hoặc Giấy chứng nhận hy sinh gửi Sở LÐ-TB và XH nơi quản lý mộ... Trường hợp đủ căn cứ thực chứng thì ban hành quyết định xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (theo mẫu).
Trong đơn gửi Báo Nhân Dân, bác Lê Thị Phú và một số thân nhân liệt sĩ kiến nghị: "Chúng tôi kiến nghị Ðảng và Nhà nước sớm sửa đổi Ðiều 138 của Nghị định số 131. Trong thời gian chờ sửa Nghị định, đề nghị Bộ LÐ-TB và XH có chỉ đạo để liệt sĩ của gia đình chúng tôi sớm về lại quê nhà".
Ngày 19/5/2023, Trung tâm MARIN đã có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét kiến nghị sửa đổi Ðiều 138 và Ðiều 145, Nghị định số 131 để đáp ứng sự mong mỏi của các thân nhân liệt sĩ. Văn phòng Chính phủ đã chuyển phản ánh, kiến nghị nêu trên đến Bộ LÐ-TB và XH để xem xét xử lý và trả lời người dân theo thẩm quyền; cập nhật thông tin, kết quả giải quyết vào Hệ thống phản ánh, kiến nghị tại địa chỉ: https://pakn.dichvucong.gov.vn trước ngày 26/6/2023 để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ ■