Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên trong năm học mới

NDO - Năm học 2023-2024 được Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định là năm bứt phá, thực hiện khối công việc lớn, những khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ bộc lộ nhiều hơn so với năm học trước. Vì vậy, toàn ngành cũng như các địa phương sẽ dồn lực vượt qua khó khăn, thực hiện hiệu quả các yêu cầu đặt ra.
0:00 / 0:00
0:00
Giờ học của học sinh Trường trung học phổ thông Phan Chu Trinh (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).
Giờ học của học sinh Trường trung học phổ thông Phan Chu Trinh (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận).

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian qua, mạng lưới, quy mô trường, lớp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Các địa phương đã chú trọng duy trì, mở rộng số lượng lớp học và bổ sung phòng học kiên cố, bán kiên cố, giảm số phòng học tạm.

Đồng thời, tạo thuận lợi cho người dân, bảo đảm quyền lợi học tập của học sinh và phù hợp quy hoạch, yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Quan tâm đầu tư mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học phục vụ yêu cầu triển khai chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành tiêu chí, quy trình xây dựng học liệu điện tử các cấp học làm cơ sở xây dựng hệ thống bài giảng trực tuyến dùng chung; đẩy mạnh việc số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục, kết nối cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và bảo hiểm.

Bên cạnh yêu cầu bứt phá, thực hiện khối công việc lớn, năm học 2023-2024 ngành Giáo dục xác định đi vào chiều sâu, đến từng môn học; đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá các môn như: Lịch sử, Ngữ văn, Toán học, Hóa học, Vật lý…

Cùng với đó là việc quan tâm triển khai mạnh mẽ xây dựng văn hóa học đường, phòng chống bạo lực học đường; làm tốt công tác phân luồng, hướng nghiệp trên tinh thần tự nguyện của học sinh, phụ huynh.

Cũng trong năm học này, ngành giáo dục triển khai thử nghiệm chương trình giáo dục mầm non mới trên tinh thần vận dụng kinh nghiệm tích lũy được từ đổi mới giáo dục phổ thông để chủ động chuẩn bị, thử nghiệm chu đáo trước khi triển khai.

Chuẩn bị cho năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương chuẩn bị cả về tâm thế, tư tưởng, điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, học liệu, tập huấn giáo viên...

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên trong tổng số 65.980 biên chế giáo viên được Bộ Chính trị cho phép bổ sung cho cả giai đoạn 2022-2026; phối hợp các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập để làm căn cứ pháp lý cho các địa phương thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý giáo viên mầm non; thực hiện bồi dưỡng thường xuyên tương ứng cho từng nhóm đối tượng; triển khai lộ trình đào tạo theo quy định tại Luật Giáo dục 2019.