Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa

NDO -

NDĐT - Đầu mùa mưa bão năm nay, Thanh Hóa đã thiệt hại nặng về người, tài sản. Hợp sức ứng phó với thời tiết khó lường, sẻ chia của cộng đồng xã hội đã và đang trợ giúp người dân vùng thượng du Thanh Hóa sớm ổn định cuộc sống.

Nỗi buồn ở Sa Ná.
Nỗi buồn ở Sa Ná.

Tình người trong mưa lũ

Hôm xảy ra lũ quét ở cụm bản Sa Ná, huyện Quan Sơn, hình ảnh ông Lương Văn Chon mắc kẹt giữa dòng lũ dữ tác động sâu sắc tới tình cảm, tâm lý và phương châm hành động của cộng đồng. Anh Phạm Bá Huy, ở xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn đã xung phong mang áo phao, bám theo đường cáp cứu hộ tiếp cận, trợ giúp, đưa ông Chon vào bờ. Tỉnh đoàn Thanh Hóa tặng bằng khen, Trung ương đoàn trao tặng Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm, ghi nhận, tôn vinh hành động xung kích, dấn thân vì sự sống cộng đồng của Huy. Đến Bệnh viện Đa khoa huyện Quan Sơn nắm tình hình sức khỏe các bệnh nhân bị thương do lũ cuốn, ngoài thái độ tận tình, nỗ lực điều trị, chăm sóc người bệnh của các y, bác sĩ, tôi bắt gặp hai thành viên nhóm “Gắn kết yêu thương” vào thăm, mang cơm, cháo chăm các bệnh nhân: Lương Văn Chon, Lữ Thị Thương, Nguyễn Minh Lâm. Thêm nữa, Vi Thị Đào đang học năm thứ ba Đại học sư phạm Hà Nội hay tin gia đình người em họ bị lũ quét đã vượt hơn 300 km về thăm, thấy Lâm may mắn bảo tồn được tính mạng nhưng hãy còn đau, sốt nhẹ do chấn thương bên trong. Nguyễn Minh Lâm tiếp tục chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc chữa trị; hiện vợ chồng ông Chon Hương đã hồi phục sức khỏe nên nhóm “Gắn kết yêu thương” chuyển hướng mang rau xanh cung ứng cho người dân bản Sa Ná cùng lực lượng vũ trang đang trợ giúp các hộ dân khắc phục hậu quả lũ quét.

Chung sức với cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang, các y, bác sĩ trong cứu nạn, chăm sóc, động viên người bị thương, chia sẻ mất mát với thân nhân các gia đình có người tử vong, mất tích do lũ quét, cứu trợ kịp thời người dân Sa Ná, bảo đảm không có người dân nào bị đói, rét do thiên tai; cộng đồng dân cư bản Sa Ná luôn thương yêu, trợ giúp nhau trong ứng phó với mưa bão, khắc phục lũ quét. Các hộ gia đình còn nhà ở, nhất là hai cụm bản Sa Ná phía thượng lưu không bị thiệt hại do lũ quét đã đùm bọc, cưu mang những nhân khẩu không còn lương thực, quần áo, trôi, sập nhà ở sau thảm họa khó lường. Chị Lương Thị Huệ cho hay: Gia đình em chạy lên núi, nước rút hẳn mới trở lại bản thì nhà trôi mất rồi. Hiện, bốn thành viên trong gia đình ăn, ở tại nhà ông bà ngoại nên cuộc sống ổn định; tiếp tục khắc phục hậu quả lũ quét, gây dựng cuộc sống. Chị Phạm Thị Tư thông tin thêm, gia đình có bảy thành viên chung sống trong nếp nhà sàn ba gian, giờ đón thêm bốn thành viên của gia đình chị chồng bị trôi mất nhà ở. Hơn mười người chung sống trong một ngôi nhà, diện tích sử dụng có chật nhưng lòng người rộng mở, đồ dùng, vật dụng dùng chung, bảo đảm đủ lương thực, thực phẩm cùng đồ dùng thiết yếu.

Trong và sau mưa lũ, nhiều tổ chức thiện nguyện hướng về vùng trọng điểm lũ quét Sa Ná cứu trợ lương thực, thực phẩm, hàng hóa, đồ dùng thiết yếu. Ngoài Sa Ná, những tấm lòng hảo tâm còn hướng tới bản Son, Xía Nọi, xã Na Mèo; các bản Muống, Mùa Xuân, nơi có ba người tử vong do sạt lở đất, lũ cuốn và bản vùng sâu, vùng xa Ché Lầu ở xã Sơn Thủy. UBND huyện Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn toàn huyện có 18 người bị thương, chết, mất tích do mưa lũ, trong đó có anh Hà Văn Vân mất tới sáu người thân; 44 hộ không còn nhà ở, đồng ruộng, cơ sở vật chất hạ tầng, công trình dân sinh, phúc lợi công cộng bị tàn phá nghiêm trọng, nâng tổng thiệt hại lên hơn 100 tỷ đồng do thiên tai gây ra. Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn Vũ Văn Đạt thông tin thêm: Một số nạn nhân phải chờ kết quả giám định ADN nên đến thời điểm này vẫn còn sáu người mất tích do mưa lũ. Cùng với sự giúp đỡ của lực lượng vũ trang, các cơ quan ban, ngành Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, nhân dân huyện, đùm bọc, yêu thương, trợ giúp lẫn nhau của cộng đồng làng, xã, cứu trợ kịp thời của cộng đồng xã hội, nhân dân vùng thiệt hại do mưa lũ dần ổn định cuộc sống.

Hợp sức ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Qua nắm bắt công tác lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương trong tỉnh đã chủ động, linh hoạt ứng phó với bão số 3. Sáu huyện miền núi và huyện Vĩnh Lộc đã di dời, sơ tán gần 1.600 hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm. Chiều tối 3-8, Trưởng Công an xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát Thao Văn Súa (33 tuổi) xuống các hộ gia đình nắm tình hình, vận động, trợ giúp di dời dân khỏi khu vực có nguy hiểm, bất ngờ đất đá sạt, tụt vùi lấp đồng chí Súa gần Trường tiểu học xã Nhi Sơn và đến sáng hôm sau lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể. Trung ương Đoàn đã truy tặng Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm và cơ quan chức năng đang hoàn tất thủ tục truy tặng liệt sĩ cho Thao Văn Súa hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đồng hành là hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang gồm Bộ đội, Công an, Biên phòng, cứu hộ cứu nạn, cán bộ trong hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở đã xung kích, kề vai, sát cánh cùng nhân dân, đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ. Từ việc sơ tán, di dân, chủ động phòng, chống bão số 3 theo phương án “bốn tại chỗ”; nỗ lực tiếp cận các thôn, bản bị cô lập, nắm chắc tình hình, khẩn trương cứu người mắc kẹt, người bị thương, tìm kiếm người chết, mất tích do lũ cuốn, sạt lở đất; cứu trợ lương khô, mỳ tôm, nước uống, bố trí nhân khẩu có nhà bị đổ, nước cuốn trôi lưu trú xen ghép, sinh hoạt cùng các hộ gia đình không bị thiệt hại do thiên tai, còn nhà ở vững chắc. Quân khu IV đã chuyển một tấn lương khô, ba tấn mì tôm, trao 200 triệu đồng cho huyện Quan Sơn; Bộ Tư lệnh Biên phòng trợ giúp xã Na Mèo năm tấn gạo. Các huyện bạn cùng nhân dân địa phương, anh em thân tộc, lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ các xã ở huyện Mường Lát và huyện Quan Sơn tích cực cứu người bị lũ cuốn, tìm kiếm người còn mất tích, lo hậu sự cho người quá cố, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, sớm ổn định cuộc sống cho nhân dân. Cấp ủy, chính quyền từ Trung ương đến địa phương quan tâm bố trí kinh phí, quỹ đất xây dựng các khu tái định cư, hỗ trợ 300 triệu đồng cho mỗi gia đình có nhà bị thiệt hại hoàn toàn xây dựng lại nhà ở mới tại các nơi tái định cư.

Những ngày này, nhân dân các địa phương trong và ngoài tỉnh đang hướng tới đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra, nhất là hai huyện vùng cao biên giới Quan Sơn, Mường Lát bị thiệt hại nặng về người, tài sản do mưa lũ. Hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ tỉnh Thanh Hóa, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân hảo tâm quyên góp được gần bốn tỷ đồng, tổ chức R20 châu Á Thái Bình Dương gửi 10 nghìn USD đến các gia đình, nhân dân các huyện, xã, thôn bản bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam, Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, HABECO, Khối thi đua I, Công đoàn viên chức Việt Nam..., đã gửi tới nhân dân vùng lũ Thanh Hóa lời sẻ chia tổn thất về người, tài sản cùng hỗ trợ vật chất, động viên tinh thần. Có sáu cơ quan, hội doanh nghiệp trực tiếp lên huyện vùng cao Mường Lát trao tới chính quyền, nhân dân các địa phương gần 400 triệu đồng. Hội Chữ thập đỏ Trung ương và tỉnh Thanh Hóa tặng 100 bộ đồ dùng gia đình, trao 262 triệu đồng tới các gia đình không còn nhà ở, có người thân chết, mất tích, bị thương, hộ thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai gây ra ở huyện Quan Sơn và Mường Lát. Đồng hành là các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các câu lạc bộ từ thiện mang theo tiền, lương thực, mỳ tôm, nước uống, quần áo, đồ gia dụng trợ giúp nhân dân vùng lũ, chia sẻ, động viên hộ bị thiệt hại về người, tài sản.

Theo báo cáo, ngoài 21 người chết, bị thương do mưa lũ, Thanh Hóa thiệt hại 679 tỷ đồng do mưa bão số 3 gây ra. Hiện hư hỏng về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất thiết yếu mới được khắc phục bước đầu. Đường vào các bản ở huyện Quan Sơn, huyện Mường Lát sau lũ quét, sạt lở đất còn nhiều khó khăn và một số huyện ở vùng thượng du Thanh Hóa cũng thiệt hại không nhỏ do mưa lũ. Bảo đảm tiếp nhận nguồn hỗ trợ chu đáo, sử dụng hiệu quả, các tổ chức, cá nhân nên thông qua MTTQ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa hoặc bộ phận tiếp nhận ở các xã, các huyện nhằm điều tiết, phân bổ hợp lý, dân chủ, công bằng, góp phần khắc phục nhanh hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống nhân dân ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 1

Thành viên nhóm “Gắn kết yêu thương” thăm, động viên người bị thương do lũ cuốn.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 2

Người dân Sa Ná giúp nhau thu gom vật dụng.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 3

Thanh niên vác gạo về bản.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 4

Các tầng lớp nhân dân tìm kiếm người bị lũ cuốn.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 5

Phương tiện cơ giới nỗ lực san ủi đất đá, thông đường lên huyện Mường Lát.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 6

Lượng lượng vũ trang trợ giúp dân khắc phục hậu quả lũ quét.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 7

Đưa đồ dùng thiết yếu về Sa Ná.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 8

Sinh viên du học ở nước ngoài chia sẻ mất mát với các hộ dân ở Sa Ná.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 9

Lực lượng quân y phun khử khuẩn, phòng dịch, bệnh sau mưa lũ.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 10

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa sẻ chia mất mát với người dân Sa Ná.

Khắc phục hậu quả thiên tai ở thượng du Thanh Hóa ảnh 11

Các tầng lớp nhân dân về người dân vùng lũ ở Thanh Hóa.