Từ khâu “then chốt của then chốt”
Các địa phương Tây Bắc đã và đang triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 khi mà hạ tầng, nguồn lực còn nhiều bất cập. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Tình trạng cán bộ “vừa thừa, vừa thiếu; vừa yếu, vừa hỏng” một số nơi là “lực cản” trong phát triển.
Năm 2018, Tỉnh ủy Yên Bái ban hành Đề án 11 “Xây dựng và tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người DTTS thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Hai năm qua, tỉnh đã mở 350 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 30 nghìn lượt cán bộ, công chức về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2023, tỉnh có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng 520 lớp với 95 nghìn học viên. Hiện tại, tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh là người DTTS chiếm gần 23%. Tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy tỉnh đạt 25%, cấp ủy huyện là 31%; cấp ủy xã là 38%, tăng cao so với nhiệm kỳ trước.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ trao đổi, các cấp ủy tập trung đổi mới phương thức quản lý cán bộ, đảng viên theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” gắn với trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Khảo sát tại các đảng bộ huyện Trấn Yên, Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái cho thấy nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, quyết liệt là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Các cấp ủy tập trung đổi mới phương thức quản lý cán bộ, đảng viên theo hướng “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm” gắn với trách nhiệm nêu gương, nhất là người đứng đầu. Khảo sát tại các đảng bộ huyện Trấn Yên, Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái cho thấy nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng chỉnh đốn Đảng được triển khai đồng bộ, quyết liệt là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Chu Đình Ngữ
Về chủ đề này, tỉnh Lào Cai có đề án về quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ DTTS; ưu tiên tuyển dụng, sử dụng, bố trí người DTTS vào các cơ quan Đảng, Nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội. Hiện, cán bộ là người DTTS chiếm tỷ lệ gần 27% cơ cấu đội ngũ cán bộ của tỉnh, trong đó, cấp xã chiếm hơn 62%. Bí thư Huyện ủy Mường Khương, Tiến sĩ Giàng Quốc Hưng nhấn mạnh, chất lượng cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS luôn gắn liền những kết quả của huyện về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Nhiệm kỳ này, Nghệ An đề ra mục tiêu xây dựng thị xã Thái Hòa trở thành đô thị động lực, là trung tâm vùng tây bắc của tỉnh Nghệ An. Bí thư Thị ủy Thái Hòa Phạm Tuấn Vinh cho biết, toàn đảng bộ đang đặc biệt quan tâm, đổi mới mạnh mẽ, bảo đảm đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị, có trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo.
Tỉnh Nghệ An đã và đang đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp với nhiều đổi mới, nhất là việc đầu tư cho đội ngũ cán bộ, đảng viên tại 11 huyện, thị xã vùng Tây Bắc học tập nâng cao trình độ. Tỉnh chú trọng điều động, luân chuyển cán bộ trẻ có triển vọng về tiếp cận cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng. Thống kê cho thấy, sau gần ba năm, tỷ lệ cấp ủy viên cơ sở ở Nghệ An có trình độ đại học trở lên tăng hơn 17%; trình độ cao cấp, trung cấp chính trị tăng hơn 11%. Mặt khác, khâu đánh giá cán bộ ở tỉnh được đổi mới gắn liền kết quả thực hiện nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.
Bảo đảm bộ máy tinh, gọn, mạnh
Nhiều năm qua, triển khai các nghị quyết của Trung ương, các địa phương vùng Tây Bắc đã chủ động, kiên quyết thực hiện chủ trương sắp xếp lại các đơn vị hành chính; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.
Theo đó, bộ máy của hệ thống chính trị ở Yên Bái đã sắp xếp, thu gọn được 413 đầu mối, tổ chức bên trong các cơ quan đơn vị; giảm bảy đơn vị hành chính cấp xã, giảm 985 thôn, bản, tổ dân phố, tinh giản 4.852 biên chế. Tỉnh đã sắp xếp, cơ cấu lại đối với hơn 12 nghìn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp...
Thanh Hóa có 10 trong số 27 đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn vùng Tây Bắc, là các huyện có đơn vị hành chính cấp xã và thôn, bản cần sắp xếp nhằm tinh gọn bộ máy ở cơ sở với số lượng lớn. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên trao đổi, đây cũng là bước đi rất quan trọng nhằm nâng cao năng lực hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở cơ sở vùng DTTS và miền núi. Với quyết tâm và giải pháp phù hợp, 5 năm qua, với 10 huyện miền tây Thanh Hóa đã giảm 21 xã và 511 thôn và tổ dân phố phù hợp định hướng phát triển. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã, đến nay đã có 100% số bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã. Quá trình này ở Thanh Hóa gợi mở nhiều vấn đề, bài học trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Với quyết tâm và giải pháp phù hợp, 5 năm qua, với 10 huyện miền tây Thanh Hóa đã giảm 21 xã và 511 thôn và tổ dân phố phù hợp định hướng phát triển. Việc thực hiện chủ trương bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch HĐND cấp xã, đến nay đã có 100% số bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy kiêm chủ tịch HĐND cấp xã. Quá trình này ở Thanh Hóa gợi mở nhiều vấn đề, bài học trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lại Thế Nguyên
Với Nghệ An, Nghị quyết số 39-NQ/TW (Khóa XIII) của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, là cơ hội “vàng” để tỉnh bứt phá. Nghị quyết đã đặc biệt coi trọng việc phát triển vùng Tây Bắc Nghệ An gồm 11 huyện, thị xã, trong đó xây dựng thị xã Thái Hòa là đô thị động lực trung tâm vùng Tây Bắc của tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cho biết, tỉnh xác định cải cách hành chính là một trong những đột phá nhằm tạo động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã đối thoại với hơn 1.100 cán bộ là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các xã, phường toàn tỉnh.
Tuy nhiên, quá trình nêu trên ở nhiều địa phương vùng Tây Bắc đang đặt ra yêu cầu, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cùng giải pháp đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ, năng lực yếu... bảo đảm cho quá trình sắp xếp bộ máy, đơn vị hành chính giai đoạn 2021-2030 đạt hiệu quả.
Một vấn đề khác, sau khi sáp nhập, nhiều trụ sở, công trình phục vụ dân sinh dư thừa, hiện bỏ hoang nhiều năm đã xuống cấp, gây lãng phí tiền của đầu tư, nhất là ở những huyện vùng cao, vùng đồng bào DTTS, khi mà hạ tầng còn thiếu thốn. Tại huyện miền núi, biên giới Quan Sơn tỉnh Thanh Hóa, Phó Chủ tịch UBND huyện Trương Trọng Tuấn cho biết, huyện có 22 cơ sở nhà đất dôi dư, đến nay vẫn chưa được sử dụng, chuyển đổi.
Mặt khác, các địa phương trong vùng đang đẩy mạnh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, nhưng tiến độ và số vốn giải ngân ở một số địa phương đạt thấp.
Về tổng thể cần khẳng định, các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sự quan tâm của các tỉnh, sự năng động, sáng tạo của cấp ủy, chính quyền các cấp sở tại đã và đang tạo nguồn sinh lực mới trong phát triển, với những thành quả, diện mạo mới ở Tây Bắc. Tuy nhiên, trước yêu cầu sớm rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền cùng mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, địa bàn Tây Bắc còn “độ trễ” ở một số địa bàn, lĩnh vực.
Với các mục tiêu, nhiệm vụ đường hướng được Đảng ta xác định trong các nghị quyết (nhiệm kỳ Đại hội XIII) về phát triển kinh tế-xã hội các vùng chiến lược mới đây đòi hỏi các đảng bộ cần tiếp tục đặt lên hàng đầu yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp ngang tầm nhiệm vụ... bảo đảm quá trình triển khai chủ trương, nghị quyết, chính sách sớm đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả.