Họp báo về Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

NDO - Chiều 31/12, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương tổ chức họp báo thông báo nội dung, kết quả Phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (Ban Chỉ đạo).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi họp báo tại Ban Nội chính Trung ương. (Ảnh: Đăng Khoa)
Quang cảnh buổi họp báo tại Ban Nội chính Trung ương. (Ảnh: Đăng Khoa)

Chủ trì họp báo có các đồng chí: Đặng Văn Dũng, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương; Đinh Thị Mai, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó chánh Văn phòng Bộ Công an.

Tại cuộc họp, đồng chí Đặng Văn Dũng thông báo tóm tắt nội dung, kết quả Phiên họp thứ 27 của Ban Chỉ đạo. Theo đó, sáng 31/12, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, cho ý kiến về kết quả công tác năm 2024, chương trình công tác năm 2025 của Ban Chỉ đạo và kết quả chỉ đạo, xử lý các vụ việc, vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo năm 2024 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Năm 2024, công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, đạt nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá mới, quyết liệt và hiệu quả.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hơn 40 chỉ thị, nghị quyết, quy định, kết luận về xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; Quốc hội đã ban hành 31 luật, 7 nghị quyết; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 162 nghị định, 288 nghị quyết, 23 quyết định; các bộ, ngành, địa phương đã ban hành 11.184 văn bản về quản lý kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần khắc phục những sơ hở, bất cập, mâu thuẫn, chồng chéo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, từng bước hoàn thiện thể chế để không thể tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Từ kết quả đạt được, Ban Chỉ đạo xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 2025: Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tiếp tục triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, cấp bách của đất nước. Ban Chỉ đạo sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những sơ hở, bất cập, tháo gỡ “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế, pháp luật, tạo động lực cho đổi mới, sáng tạo, phát triển kinh tế-xã hội và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Trọng tâm là khẩn trương hoàn thiện thể chế về phòng, chống lãng phí; về tổ chức và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, tinh gọn; sửa đổi, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật đã được chỉ ra qua rà soát; xây dựng và thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí.

Họp báo về Phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ảnh 2
Đồng chí Đặng Văn Dũng, Phó trưởng ban Nội Chính Trung ương phát biểu tại buổi họp báo. (Ảnh: Đăng Khoa)

Các đồng chí chủ trì cuộc họp cũng đã thông tin, giải đáp một số câu hỏi của đại diện các cơ quan báo chí nhằm làm rõ những vấn đề mà dư luận quan tâm.

Liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, kết quả điều tra bước đầu thể hiện, các bị can đã lợi dụng việc mua, bán vàng bình ổn giá, lập khống chứng từ, sổ sách để chiếm đoạt tiền, hưởng lợi bất chính. Cơ quan điều tra đang tập trung củng cố tài liệu, chứng cứ đối với các bị can, đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra và rà soát, xác minh, thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Về kết quả điều tra làm rõ các vụ án kinh tế, tham nhũng lớn: Năm 2024, Bộ Công an tiếp tục đẩy mạnh điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng với nhiều kết quả quan trọng. Cơ quan điều tra Bộ Công an đã phát hiện nhiều vụ án lớn được dư luận rất quan tâm như vụ Phúc Sơn, Thuận An... Bên cạnh đó, lực lượng Công an đã chủ động nhận diện, phát hiện các nguy cơ gây thất thoát, lãng phí nguồn lực của Nhà nước, nhân dân trên nhiều lĩnh vực; qua đó đã khởi tố, điều tra một số vụ án gây thất thoát, lãng phí trong quản lý tài nguyên đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng...

Qua điều tra các vụ án, Bộ Công an đã tham mưu Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo lãnh đạo, chỉ đạo đường lối xử lý đảm bảo khách quan, toàn diện, nhân văn; tham mưu các giải pháp xử lý tài sản, vật chứng ngay trong quá trình điều tra, truy tố, nhằm tránh thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của đất nước, cá nhân, doanh nghiệp; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân liên quan; đồng thời cũng đã kiến nghị những giải pháp quan trọng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế thất thoát, lãng phí, tiết kiệm được các nguồn lực phục vụ cho phát triển đất nước.

Thời gian tới, để triển khai có hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống lãng phí, Bộ Công an chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tăng cường triển khai đồng bộ các biện pháp nhận diện hành vi gây thất thoát, lãng phí tài sản, tài nguyên của Nhà nước, của nhân dân. Từ đó, tham mưu, đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục các sở hở, thiếu sót là nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí. Bộ Công an cũng sẽ tập trung xác minh các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, điều tra làm rõ bản chất, ngăn chặn kịp thời các vụ án, vụ việc gây thất thoát, lãng phí, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.