Khắc phục bất cập trong thi công lối thoát hiểm

Những ngày này, trên khắp cả nước, lực lượng chức năng đồng loạt rà soát, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các chung cư cao tầng, nhà ở nhiều căn hộ (chung cư mi-ni), cơ sở cho thuê nhà trọ.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống cầu thang thoát hiểm dọc theo sườn các toà nhà trọ chưa phải là lối thoát hiểm thứ hai theo quy định hiện hành.
Hệ thống cầu thang thoát hiểm dọc theo sườn các toà nhà trọ chưa phải là lối thoát hiểm thứ hai theo quy định hiện hành.

Quá trình kiểm tra bước đầu cho thấy, những thiếu sót, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy xảy ra phổ biến nhất tại các chung cư mi-ni. Để bảo đảm an toàn, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ đã trang bị thêm các trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và lắp đặt thêm thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà… Tuy nhiên, quá trình này cũng nảy sinh không ít bất cập, nhất là việc thiết kế, thi công lối thoát hiểm thứ hai.

Hiện nay, các thang thoát hiểm rất đa dạng về chủng loại, kích thước, được làm từ sắt hoặc i-nốc, có giá từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng. Phần lớn các thang được lắp đặt phía trước tòa nhà, từ tầng cao nhất xuống tầng 2 được thiết kế theo kiểu díc dắc, có chiếu nghỉ tại các tầng và lồng bảo vệ. Còn từ tầng 2 xuống đất có bố trí thang dây, thang xếp gấp, bảo đảm gọn gàng, cơ động dễ đóng, mở, hạ xuống mặt đất khi cần thiết.

Nhưng không ít trường hợp thang thoát hiểm được thiết kế, lắp đặt thẳng đứng, không có lồng bảo vệ, chạy dọc theo ban-công các tầng hoặc từ tầng cao nhất chạy thẳng xuống… đất. Thiết kế này không bảo đảm quy định và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao khi sự cố xảy ra, nhiều người sử dụng cùng lúc.

Quá trình kiểm tra bước đầu cho thấy, những thiếu sót, sai phạm trong công tác phòng cháy, chữa cháy xảy ra phổ biến nhất tại các chung cư mi-ni. Để bảo đảm an toàn, nhiều chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê nhà trọ, nhà ở nhiều căn hộ đã trang bị thêm các trang, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và lắp đặt thêm thang thoát hiểm bên ngoài tòa nhà… Tuy nhiên, quá trình này cũng nảy sinh không ít bất cập, nhất là việc thiết kế, thi công lối thoát hiểm thứ hai.

Theo quy định phòng cháy, chữa cháy, có ba loại cầu thang và buồng thang bộ dùng thoát hiểm cho người trong các tòa nhà và công trình khi có cháy, gồm cầu thang bên trong tòa nhà, được đặt trong buồng thang; cầu thang bên trong tòa nhà, để hở và cầu thang bên ngoài tòa nhà, để hở. Các tòa nhà cao tầng, chung cư mi-ni có thể xây dựng cầu thang thoát hiểm ở bên ngoài tòa nhà, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 06:2022/BXD về An toàn cháy cho nhà, công trình và được cấp phép.

Lối thoát hiểm thứ hai là hệ thống riêng, được thiết kế độc lập trong công trình, ngăn cách với hành lang chung các tầng, ngăn cách khu vực để xe để khi xảy ra sự cố người bên trong có thể thoát ra ngoài hoặc cầu thang bên ngoài tòa nhà, nhưng phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, không đơn giản là lối thoát hiểm qua cửa sổ hay ban-công các tòa nhà cao tầng.

Như vậy, lối thoát hiểm thứ hai hiện đã có tiêu chuẩn quy định làm căn cứ xây dựng. Tuy nhiên, cái khó của việc lắp đặt lối thoát hiểm thứ hai là hiện hàng nghìn chung cư mi-ni đều đã hoàn thành việc xây dựng và đang hoạt động. Do đó, việc lắp đặt tốn kém, khó khăn, có thể ảnh hưởng đến thiết kế chung của tòa nhà, khiến các chủ đầu tư e ngại, tìm cách chống chế.

Vì thế, bên cạnh việc hướng dẫn các tiêu chuẩn cụ thể, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chủ đầu tư tìm các giải pháp thiết kế, xây dựng làm sao để những thang thoát hiểm này vừa đáp ứng được tiêu chuẩn, vừa phù hợp với tình hình thực tế. Nếu thật sự cần thiết thì yêu cầu chủ đầu tư phải cải tạo lớn, thậm chí cắt bỏ một phần diện tích xây dựng, đục tường và sàn các tầng để phục vụ cho việc lắp đặt. Nếu không có sự vào cuộc kịp thời, rất có thể việc làm có tính hình thức, đối phó sẽ xảy ra tràn lan, gây nguy hiểm đến tính mạng người dân khi tai họa xảy ra.