Kết thúc Giải cờ vua xuất sắc quốc gia - Nam Á Bank 2022

NDO - Ngày 30/8, Giải cờ vua xuất sắc quốc gia cúp Nam Á Bank 2022 đã chính thức khép lại tại thành phố Cần Thơ sau khi xác định các nhà vô địch ở thể thức cờ siêu chớp.
0:00 / 0:00
0:00
Trao thưởng các vận động viên nữ xuất sắc nhất tại giải.
Trao thưởng các vận động viên nữ xuất sắc nhất tại giải.

Đây cũng là lần đầu tiên giải tổ chức các nội dung cờ mới sẽ được áp dụng tại SEA Games 32 vào tháng 5/2023 nhằm bước đầu xác định thành phần dự tuyển chuẩn bị cho sự kiện này.

Ở nội dung cờ tiêu chuẩn nam, có 4 kỳ thủ cùng đạt 7 điểm sau 9 ván đấu, nhưng Huy chương Vàng (HCV) đã thuộc về Phạm Chương (Thành phố Hồ Chí Minh) nhờ hiệu số cao nhất, Nguyễn Văn Huy (Hà Nội) giành Huy chương Bạc (HCB), kỳ thủ trẻ 16 tuổi Nguyễn Quốc Hy (Thành phố Hồ Chí Minh) giành Huy chương Đồng (HCĐ). Hạt giống số 1 là Đại kiện tướng (ĐKT) Trần Tuấn Minh chỉ xếp hạng 5 chung cuộc với 6,5 điểm. Hạt giống số 2 là Nguyễn Đức Hoà (Quân Đội) cũng chỉ xếp thứ 8.

Tại nội dung của nữ, dù thiếu vắng khá nhiều tuyển thủ, nhưng cuộc đua thậm chí còn gay cấn hơn khi có tới 6 kỳ thủ cùng đạt 6,5 điểm. ĐKT kỳ cựu Nguyễn Thị Thanh An (Thành phố Hồ Chí Minh, cũng là hạt giống số 1) giành HCV; HCB thuộc về Đoàn Thị Hồng Nhung (Hải Phòng) còn HCĐ thuộc về Nguyễn Ngọc Thuỳ Trang (Đồng Tháp).

Ở nội dung cờ nhanh, các vận động viên Hà Nội thi đấu rất thành công với 2 vị trí dẫn đầu bảng nam. Hạt giống số 3 - ĐKT Trần Tuấn Minh đã thể hiện phong độ xuất sắc khi giành được 8,5 điểm sau 9 ván đấu (8 thắng, 1 hòa), giành tấm HCV đầy thuyết phục; Lê Tuấn Minh giành HCB với 7,5 điểm. Kỳ thủ số 2 Việt Nam – ĐKT Nguyễn Ngọc Trường Sơn (Cần Thơ) giành HCĐ với 7 điểm.

Trong khi ấy, ở nội dung cờ nhanh nữ - nơi tập hợp gần như đầy đủ những gương mặt nổi bật của cờ vua Việt Nam lại ghi dấu ấn của các tuyển thủ Bắc Giang. Trong đó, Võ Thị Kim Phụng giành HCV cũng với thành tích tương tự Trần Tuấn Minh ở bảng nam – 8,5 điểm sau 9 ván. Nguyễn Thị Mai Hưng (cũng của Bắc Giang) giành HCB. Kế tiếp là 2 kỳ thủ Nguyễn Thanh Thủy Tiên và Nguyễn Thị Thanh An (cùng của Thành phố Hồ Chí Minh). Kỳ thủ số 1 là Phạm Lê Thảo Nguyên thi đấu không thành công, chỉ xếp hạng 8 chung cuộc.

Ở nội dung cờ chớp nam, Lê Tuấn Minh (Hà Nội) giành HCV khi có cùng 7,5 điểm nhưng hệ số cao hơn so với Phạm Chương (thành phố Hồ Chí Minh). Tại bảng nữ, kỳ thủ trẻ Nguyễn Hồng Anh (Thành phố Hồ Chí Minh) giành HCV, trong khi người “đàn chị” Hoàng Thị Bảo Trâm (cùng của Thành phố Hồ Chí Minh) giành HCB. Hạt giống số 1 Phạm Lê Thảo Nguyên chỉ xếp thứ 6, còn tuyển thủ trẻ Bạch Ngọc Thùy Dương (TP Hồ Chí Minh) xếp hạng 8.

Ở nội dung cờ siêu chớp, Lê Tuấn Minh (Hà Nội) hoàn thành cú đúp HCV, trong khi người đồng đội Trần Tuấn Minh giành HCB. Nguyễn Hồng Nhung (Hà Nội) giành tới 8,5 điểm sau 9 ván để giành HCV rất thuyết phục tại bảng nữ.

Nội dung cờ Khmer lần đầu được đưa vào chương trình thi đấu có sự góp mặt của 39 kỳ thủ, trong đó có khá nhiều danh thủ cờ vua tên tuổi như Đào Thiên Hải, Cao Sang, Võ Thành Ninh, Hoàng Nam Thắng, Dương Thế Anh, Bảo Khoa… Kết quả, sau 9 ván đấu, Bảo Khoa (Kiên Giang) giành HCV. Tại bảng nữ, HCV thuộc về Vũ Thị Diệu Uyên (cũng của Kiên Giang).

Ở nội dung cờ ASEAN, Nguyễn Quang Trung (Bắc Giang) bất ngờ vượt qua hàng loạt hảo thủ như Cao Sang, Bảo Khoa, Võ Thành Ninh hay Hoàng Nam Thắng để giành HCV bảng nam. Tấm HCV bảng nữ thuộc về Phạm Thanh Phương Thảo (Hải Phòng), trong khi Vũ Thị Diệu Uyên (Kiên Giang) – người trước đó giành HCV cờ Khmer – giành tấm HCB.