Đại hội thể thao người khuyết tật Đông Nam Á năm 2022

Đội tuyển bơi và cờ vua Việt Nam vượt xa chỉ tiêu đề ra

Kết thúc ngày thi đấu thứ sáu của ASEAN Para Games 11-2022, các vận động viên (VĐV) bơi và cờ vua Việt Nam tiếp tục thi đấu xuất sắc, đoạt bảy Huy chương vàng (HCV), trong đó, đội tuyển bơi có thêm bốn HCV, lập hai kỷ lục đại hội. Đến thời điểm hiện tại, Đoàn thể thao người khuyết tật nước ta có tổng cộng 64 HCV, 58 Huy chương bạc (HCB), 54 Huy chương đồng (HCĐ), xếp thứ ba toàn đoàn. Đoàn Indonesia có 171 HCV và Thái Lan có 113 HCV chiếm ngôi đầu và thứ hai trên bảng xếp hạng huy chương.
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 5/8, vận động viên Trịnh Thị Bích Như lập kỷ lục môn bơi thứ hai tại ASEAN Para Games 11. (Ảnh THÁI DƯƠNG)
Ngày 5/8, vận động viên Trịnh Thị Bích Như lập kỷ lục môn bơi thứ hai tại ASEAN Para Games 11. (Ảnh THÁI DƯƠNG)

Bước vào ngày thi đấu cuối cùng, các VĐV bơi Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng với thành tích nổi bật. Nguyễn Mạnh Phú tranh tài ở nội dung 100m bơi tự do nam hạng S4 đã giành HCV sau 1 phút 49 giây 22. Ở hạng S6, nội dung 100m tự do nữ, Trịnh Thị Bích Như đã vượt qua ba đối thủ cùng thi đấu, cán đích đầu tiên sau 1 phút 25 giây 11, xác lập kỷ lục đại hội mới.

Đội tuyển bơi và cờ vua Việt Nam vượt xa chỉ tiêu đề ra ảnh 1

Chung kết chạy tiếp sức 4x400m nam hạng thương tật T46/T47 tại ASEAN Para Games 11 với chiến thắng thuộc về đội Indonesia (hai VĐV ngoài cùng bên phải).

Thi đấu nội dung 50m tự do nữ hạng S8, Lê Thị Dung cạnh tranh quyết liệt với VĐV người Malaysia Carmen Lim và về đích trước đối thủ chỉ 2% giây (36 giây 71 so với 36 giây 73). Đội tuyển bơi Việt Nam khép lại giải đấu thành công với tấm HCV ở nội dung đồng đội nam 4x50m, đồng thời lập kỷ lục đại hội do công của các tuyển thủ: Đỗ Thanh Hải, Nguyễn Thành Trung, Danh Hòa, Lê Tiến Đạt. Như vậy, kết thúc các nội dung môn bơi, 29 VĐV của đội tuyển bơi Việt Nam đã giành 27 HCV, 20 HCB và 12 HCĐ, phá 12 kỷ lục, xếp sau đoàn chủ nhà Indonesia (29 HCV) và hơn đoàn Thái Lan đứng thứ ba (23 HCV).

Ở môn cờ vua, trong ngày thi đấu cuối cùng, các VĐV tranh tài nội dung cờ chớp và đội tuyển cờ vua Việt Nam giành thêm ba HCV, một HCB và năm HCĐ. VĐV Nguyễn Thị Hồng giành HCV cá nhân hạng thương tật B2-B3 cùng hai HCV đồng đội do công của các VĐV Đào Thị Lệ Xuân, Trần Ngọc Loan, Phạm Thị Hương (hạng thương tật B1 nữ) và nhóm ba VĐV Nguyễn Thị Hồng, Nguyễn Thị Minh Thư, Nguyễn Thị Mỹ Linh (hạng thương tật B2-B3).

Kết thúc thi đấu, đội tuyển cờ vua người khuyết tật Việt Nam có thành tích chung cuộc đầy ấn tượng với 13 HCV, sáu HCB và 11 HCĐ, xếp thứ hai sau đội tuyển của Indonesia (cùng có số HCV, nhưng hơn về số HCB). Kết quả này vượt trội so với với thành tích của đội tuyển nước ta có được ở kỳ đại hội năm 2017 tại Malaysia (bốn HCV, năm HCB, chín HCĐ) và vượt xa chỉ tiêu đặt ra đoạt ba HCV trước lúc lên đường sang Indonesia.

Ở môn điền kinh, Ban tổ chức đã bố trí thi đấu các nội dung tiếp sức và đội tuyển điền kinh Việt Nam giành thêm một HCĐ. Như vậy, khép lại các nội dung điền kinh, các VĐV nước ta giành được 15 HCV, 22 HCB và 14 HCĐ. Xếp sau đoàn chủ nhà (37 HCV) và đoàn Thái Lan (22 HCV).

Kết thúc môn bóng bàn, các tay vợt Việt Nam không giành được quyền vào thi đấu chung kết các nội dung đánh đơn và chung cuộc chỉ giành một HCB cùng 10 HCĐ, xếp hạng 6/11 đội tuyển bóng bàn.

Đội tuyển bơi và cờ vua Việt Nam vượt xa chỉ tiêu đề ra ảnh 2