Kết quả tích cực sau 15 ngày triển khai Luật Xuất nhập cảnh, lưu trú

NDO - Luật số 23/2023/QH15 sau khi có hiệu lực thi hành đã từng bước tháo gỡ nhiều “nút thắt”, tạo điều kiện thuận lợi, môi trường thông thoáng trong hoạt động xuất, nhập cảnh, lưu trú của công dân, người nước ngoài, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh họp báo.
Toàn cảnh họp báo.

Sáng 30/8, Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) tổ chức họp báo nhằm thông tin kịp thời đến các cơ quan, tổ chức, các cơ quan thông tấn, báo chí về tình hình, kết quả triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (Luật số 23) từ ngày 15/8/2023 đến nay; những điểm mới của Luật và việc triển khai cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động (Autogate).

Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh chủ trì họp báo.

Tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân, giảm tiêu cực, phiền hà

Đề cập đến tác động của Luật số 23 sau khi có hiệu lực thi hành, Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa cho biết, đối với công dân Việt Nam và người nước ngoài, việc thực hiện các thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông hoặc trình báo mất hộ chiếu phổ thông hoặc khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi, dễ dàng cho người dân, giảm khâu trung gian để hạn chế tiêu cực, sách nhiễu, phiền hà.

Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, từ đó sẽ giảm được chi phí đi lại, không phải trực tiếp đến Cơ quan Quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện các thủ tục hành chính.

Luật sửa đổi còn tạo điều kiện thuận lợi cho công dân Việt Nam trong việc xuất cảnh, đặc biệt đối với các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài sử dụng hộ chiếu còn giá trị ngắn hạn về nước.

Công dân sẽ được tạo thuận lợi trong việc xin thị thực, nhập cảnh, cư trú và làm các thủ tục liên quan ở các nước có yêu cầu in thông tin nơi sinh trong hộ chiếu, giảm thiểu được các chi phí không cần thiết (thí dụ: các chi phí để công chứng các loại giấy tờ chứng minh nơi sinh theo yêu cầu của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam như các nước thuộc khối châu Âu, Hoa Kỳ...).

Giảm chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính đề nghị cấp thị thực (không phải thị thực điện tử) có thời hạn đến 90 ngày, đáp ứng nhu cầu nghỉ dưỡng dài ngày của khách du lịch quốc tế, nhất là nhóm du khách từ thị trường xa, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư.

Đối với cơ quan, tổ chức, Luật đi vào thực tiễn góp phần phòng, chống lãng phí thông qua việc tận dụng các nguồn lực đã đầu tư để thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ sở dữ liệu.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, đáp ứng yêu cầu đối ngoại, bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

Bên cạnh đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật của người nước ngoài cư trú tại Việt Nam, đặc biệt là các trường hợp là tội phạm quốc tế, truy nã của các nước… Góp phần bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những kết quả bước đầu

Kết quả thực hiện Luật số 23 từ ngày 15/8/2023 đến nay, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã phối hợp các đơn vị thực hiện tích hợp 40 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an.

Trong đó, một số thủ tục đã đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến rất cao, như cấp hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử ở trong nước (89.1%), đăng ký tài khoản điện tử (100%), gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thực hiện tại Cục (69.31%), kiểm tra, xét duyệt nhân sự, cấp phép nhập cảnh cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam qua giao dịch điện tử tại Cổng thông tin điện tử về xuất nhập cảnh (92.54%)…

Kết quả tích cực sau 15 ngày triển khai Luật Xuất nhập cảnh, lưu trú ảnh 1

Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh chủ trì họp báo.

Sau khi được "mở" visa, nâng thời gian tạm trú, hàng trăm nghìn người nước ngoài đã đề nghị cấp visa để nhập cảnh vào Việt Nam. Đây là bước tiến để thúc đẩy du lịch Việt Nam phát triển, cạnh tranh với các nước trong khu vực.

Trong 15 ngày, đã có hơn 112 nghìn hồ sơ của người nước ngoài đề nghị cấp visa điện tử nhập cảnh vào Việt Nam, tăng hơn 70% so với trước khi luật số 23 có hiệu lực. Trong đó, công dân Trung Quốc sử dụng hộ chiếu điện tử chiếm khoảng 10%, với hơn 9,1 nghìn hồ sơ, công dân các nước mới được áp dụng cấp visa điện tử đạt 50% với 56 nghìn hồ sơ.

Về người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện đơn phương miễn visa, theo Thiếu tướng Phạm Đăng Khoa đã có hơn 337 nghìn lượt người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo diện này, chiếm 70% tổng lưu lượng nhập cảnh, tập trung vào công dân một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh…

Thực hiện việc kiểm soát xuất nhập cảnh bằng cổng Autogate, đến ngày 30/8, đã có 750 nghìn trường hợp đủ điều kiện sử dụng cổng Autogate và giải quyết cho 30 nghìn lượt công dân Việt Nam và người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh bằng cổng Autogate.

Hệ thống Autogate đã đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục kiểm soát xuất cảnh, nhập cảnh cho công dân Việt Nam, người nước ngoài được nhanh chóng, thuận lợi, nhận được ủng hộ, đánh giá cao của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan.