Kết nối giao thông vùng miền núi phía bắc

Đối với vùng miền núi phía bắc, trong đó có các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng, giao thông luôn là một bài toán khó trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh. Trong thời gian qua, với những nỗ lực rất lớn của ba địa phương này, giao thông nội tỉnh cơ bản đã “thông mạch” và đang hướng tới kết nối ngoại tỉnh, liên vùng với nhiều dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn.
0:00 / 0:00
0:00
Thi công dự án đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. (Ảnh TUẤN SƠN)
Thi công dự án đường du lịch từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể. (Ảnh TUẤN SƠN)

Việc hoàn thành những dự án này hứa hẹn sẽ tạo đột phá cho vùng miền núi. Tuy nhiên, để thật sự tạo sức bật phát triển, vẫn cần những cơ chế riêng biệt nhằm thúc đẩy đầu tư và thu hút đa dạng nguồn vốn vào hạ tầng giao thông hơn nữa.

Những cung đường mới thênh thang

Các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đất rộng người thưa, địa hình đồi núi cao chia cắt, hiểm trở, nhiều huyện, xã xa xôi, cách trở. Những khó khăn chất chồng ấy khiến cho mỗi ki-lô-mét đường mở mới càng thêm ý nghĩa, tạo điều kiện thuận lợi để người dân vươn lên. Bắc Kạn là tỉnh trong nội địa nhưng khoảng cách kết nối tới cửa khẩu ở Lạng Sơn và Cao Bằng tương đối ngắn để đưa hàng hóa xuất khẩu.

Chúng tôi đi trên tuyến quốc lộ 3B nối từ thành phố Bắc Kạn tới huyện Na Rì, thông tới Cửa khẩu Pò Mã (Lạng Sơn), chợt thấy ngỡ ngàng với cung đường mới vừa được cải tạo, nâng cấp lên thành quốc lộ, rộng thênh thang, tạo thuận lợi rất lớn cho thông thương hàng hóa. Cách đây vài năm, con đường này chỉ là tỉnh lộ nhỏ hẹp, nhiều đèo dốc, trong đó có đèo Áng Toòng dài gần 10km luôn là nỗi ám ảnh với người tham gia giao thông.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rì, Lương Thanh Lộc cho biết, con đường này đã mở hướng kết nối xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc thông qua Cửa khẩu Pò Mã. Huyện Na Rì xác định tuyến đường này là trọng yếu nên tập trung dồn lực cho việc nâng cấp, cải tạo nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế. Ngoài ra, tỉnh Bắc Kạn ưu tiên tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp đường kết nối từ trung tâm huyện Na Rì với huyện Bình Gia và Tràng Định (Lạng Sơn), góp phần kết nối huyện với các địa phương của tỉnh bạn.

Con đường này đã mở hướng kết nối xuất khẩu sang nước bạn Trung Quốc thông qua Cửa khẩu Pò Mã. Huyện Na Rì xác định tuyến đường này là trọng yếu nên tập trung dồn lực cho việc nâng cấp, cải tạo nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Na Rì Lương Thanh Lộc

Tại Thái Nguyên, những tuyến đường mới đã và đang hình thành diện mạo mới cho địa phương, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những điểm sáng về phát triển công nghiệp trên phạm vi cả nước. Đoạn tuyến dài gần 10km từ địa bàn thành phố Phổ Yên kết nối với đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, rộng từ hơn 20m đến hơn 40m, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng, còn đoạn tuyến tiếp nối từ cầu Xuân Phương với tỉnh Bắc Giang, vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng cũng đang được triển khai thi công.

Việc đầu tư tuyến đường Vành đai 5 Vùng Thủ đô Hà Nội kết nối Bắc Giang, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên cũng được kỳ vọng tạo động lực thu hút đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp mới, trong đó có Khu công nghiệp-Đô thị-dịch vụ Phú Bình rộng gần 1.000ha. Còn tại Cao Bằng, các tuyến đường kết nối động Hang Dơi, xã Đồng Loan (Hạ Lang) đến Khu du lịch thác Bản Giốc (Trùng Khánh); tỉnh lộ 211 từ thị trấn Trà Lĩnh đến thị trấn Trùng Khánh; đường Võ Nguyên Giáp, ở phía nam khu đô thị mới thành phố Cao Bằng vừa được đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào khai thác, đã tạo động lực mới phát triển du lịch, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu và đô thị.

Tiếp tục gỡ “nút thắt”

Với quan điểm phát triển hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, tạo tiền đề khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh, những năm qua, cả ba tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng đã dồn phần lớn nguồn lực dành cho phát triển giao thông. Giai đoạn 2020-2025, các tỉnh dự kiến đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng để triển khai những dự án trọng điểm, kết nối liên tỉnh; thi công đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể, kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang).

Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ hình thành vòng cung du lịch lịch sử từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang, tới Bắc Kạn và kết nối đến Cao Bằng. Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt chủ trương đầu tư gần 10 dự án với số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, tuyến chủ đạo là đường kết nối Thái Nguyên với Bắc Giang, Vĩnh Phúc dài gần 43km, vốn đầu tư 4.200 tỷ đồng, đạt tiêu chuẩn đường đô thị và đường cấp II, thiết kế rộng từ 12m đến 47m. Theo kế hoạch, dự kiến dự án sẽ hoàn thành cuối năm 2024 nhưng tỉnh Thái Nguyên đang đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trước 6 tháng.

Nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh Cao Bằng cũng đặt ra mục tiêu hoàn thành giai đoạn I dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn)-Trà Lĩnh (Cao Bằng). Năm nay, Cao Bằng nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phấn đấu trong năm sẽ khởi công tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, với tổng chiều dài hơn 121km, tổng vốn đầu tư 22.690 tỷ đồng. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, giai đoạn I đầu tư hơn 93km, mức vốn 13.174 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách nhà nước 6.580 tỷ đồng, còn lại là vốn nhà đầu tư).

Dự án đã được bổ sung vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia ngành giao thông. Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông tỉnh Lưu Công Hữu chia sẻ, nhằm tích cực triển khai các công việc, không để tiến độ dự án bị “giậm chân tại chỗ”, cán bộ, nhân viên Ban Quản lý nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động kiến nghị, đề xuất những cơ chế gỡ vướng, tham mưu thực hiện các nhiệm vụ, đạt tiến độ đề ra.

Kết nối giao thông liên tỉnh thành công đã giúp ba địa phương này có những bước tiến dài trong phát triển kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” giao thông rất cần được tháo gỡ kịp thời. Theo Sở Giao thông vận tải Bắc Kạn, quốc lộ 3 là trục “xương sống” quan trọng nhất, nối từ thành phố Hà Nội đến Thái Nguyên, qua Bắc Kạn, tới Cao Bằng, thông sang nước bạn Trung Quốc, theo thời gian khai thác đang xuống cấp nghiêm trọng.

Tuyến đường này đạt tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, tốc độ xe chạy trung bình chỉ khoảng 40km/giờ. Các loại xe tải trọng lớn, nhất là xe đầu kéo container lưu thông với tần suất khá cao, nên thường xuyên xảy ra tai nạn và ùn tắc giao thông. Đoạn từ thành phố Bắc Kạn đi Cao Bằng hiện còn bốn đèo nổi tiếng cả nước về độ dài, dốc cua nguy hiểm, gồm đèo Gió, đèo Giàng (Bắc Kạn); đèo Cao Bắc và Tài Hồ Sìn (Cao Bằng) thường xuyên xảy ra tai nạn. Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, Đinh Quang Tuyên cho biết, trên phạm vi 3 tỉnh, hiện tại đã có đường cao tốc từ Thái Nguyên tới huyện Chợ Mới, nhưng từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn dài hơn 30km vẫn chưa được đầu tư.

Trên phạm vi 3 tỉnh, hiện tại đã có đường cao tốc từ Thái Nguyên tới huyện Chợ Mới, nhưng từ Chợ Mới đến thành phố Bắc Kạn dài hơn 30km vẫn chưa được đầu tư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên

Tuyến cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên-Bắc Kạn-Cao Bằng (CT.07) đã được Thủ tướng phê duyệt, nhưng từ thành phố Bắc Kạn đến Cao Bằng chưa được đầu tư, nên hạ tầng giao thông kết nối liên vùng chưa hoàn thiện, bị đứt đoạn, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương. Khó khăn này đã kéo dài vài chục năm qua nhưng vẫn chưa thể giải quyết do Bắc Kạn và Cao Bằng đều là tỉnh nghèo, không có nguồn lực đầu tư.

Để tháo gỡ khó khăn, tập trung hoàn thiện mạng lưới giao thông, hai tỉnh Bắc Kạn và Cao Bằng đã thống nhất kiến nghị Trung ương đầu tư đường cao tốc từ Bắc Kạn tới Cao Bằng với quy mô 4 làn xe, tốc độ tối thiểu 100km/giờ và phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai ngay trong năm 2023-2025.

Vừa qua, Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông vận tải) đã có kết quả rà soát phương án triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến Chợ Mới-Bắc Kạn, dài gần 29km theo quy mô cao tốc, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 5.750 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công đầu năm 2024 và hoàn thành năm 2026. Trong khi nguồn lực còn có hạn, Thái Nguyên cũng lên kế hoạch thu hút hơn 2.000 tỷ đồng vốn xã hội hóa theo hình thức PPP (hợp đồng BT), đầu tư tuyến đường Bắc Sơn kéo dài, kết nối thành phố Thái Nguyên và khu du lịch hồ Núi Cốc.

Dự án được kỳ vọng không chỉ từng bước hoàn thiện hạ tầng đô thị mà còn đẩy mạnh thu hút đầu tư du lịch hồ Núi Cốc, mở rộng không gian phát triển đô thị trọng điểm thành phố Thái Nguyên trong vùng trung du, miền núi Bắc Bộ. Đối với các dự án kết nối liên tỉnh, trọng điểm, cả ba tỉnh đều cam kết đối ứng và tập trung giải phóng mặt bằng phục vụ thi công trong thời gian sớm nhất. Động thái này thể hiện quyết tâm chính trị rất cao vì mục tiêu hoàn thiện kết nối giao thông, tạo điều kiện để ba tỉnh phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.