Với trách nhiệm và tình cảm, các đơn vị đã cử hàng nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tới giúp đỡ và đóng góp, hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng giúp nhân dân buôn kết nghĩa phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Chủ trương lớn đi vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 3/3/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Ðắk Lắk về "tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng ở thôn, buôn, tổ dân phố", phong trào kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số dần phát triển.
Giai đoạn 2004-2014, toàn tỉnh có 1.438 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học kết nghĩa với 603/609 buôn đồng bào dân tộc thiểu số; có 2.630 tổ chức đoàn thể, chi hội thôn, tổ dân phố người Kinh kết nghĩa với 1.913 tổ chức đoàn thể; 145 Ban công tác Mặt trận thôn, tổ dân phố kết nghĩa với 96 Ban công tác Mặt trận buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Từ năm 2015 đến nay, có 1.780 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học kết nghĩa với 556 buôn đồng bào dân tộc thiểu số.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Ðắk Lắk H’Kim Hoa Byah khẳng định: Thực tiễn qua 20 năm triển khai thực hiện cho thấy, đây là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa chính trị sâu sắc, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đại đa số quần chúng nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Công tác kết nghĩa đã trở thành hoạt động thường xuyên của hầu hết các cơ quan, đơn vị, tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa các cơ quan, đơn vị với cấp ủy, chính quyền địa phương; giữa cán bộ, công chức với đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ khó khăn, gian khổ. Cán bộ, công chức, người lao động được làm việc và học hỏi ở quần chúng nhân dân để trưởng thành, nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện tư tưởng, đạo đức, lối sống, phục vụ nhân dân. Thông qua công tác kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị đã cử cán bộ, công chức, viên chức về buôn kết nghĩa bám địa bàn, bám dân, giữ vững ổn định an ninh trật tự. Các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng chi bộ đảng và hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh; chú trọng công tác phát triển đảng viên người dân tộc thiểu số; triển khai thực hiện có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, phát huy tốt vai trò của người uy tín, già làng và đề xuất với cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh. Nhờ đó, nhiều buôn trước đây là "điểm nóng" về an ninh chính trị thì đến nay đã ổn định, nhân dân ngày càng tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, luôn chung sức, đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng buôn làng giàu đẹp, văn minh.
Chăm lo cuộc sống cho nhân dân
Công ty Điện lực Đắk Lắk trao tặng bò sinh sản cho các hộ nghèo buôn M'riu, xã Cư Huê, huyện Ea Kar. |
Chúng tôi vừa có dịp về thăm buôn M’riu, xã Cư Huê, huyện Ea Kar, buôn kết nghĩa với Công ty Ðiện lực Ðắk Lắk. Toàn buôn hiện có 300 hộ, với hơn 1.392 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và các cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các đơn vị kết nghĩa, bộ mặt buôn M’riu đã có nhiều thay đổi lớn. Các tuyến đường trong buôn đều được bê-tông hóa, những ngôi nhà mới xây dựng kiên cố, khang trang giữa những vườn cà-phê, hồ tiêu xanh tốt.
Giám đốc Công ty Ðiện lực Ðắk Lắk Trần Văn Thuận cho biết: Ðơn vị xác định công tác kết nghĩa với buôn đồng bào dân tộc thiểu số là chủ trương lớn của Tỉnh ủy, có ý nghĩa sâu sắc về chính trị, xã hội. Từ khi kết nghĩa với buôn M’riu vào năm 2004 đến nay, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, chăm lo đời sống mọi mặt cho người dân trong buôn, qua đó nghĩa tình giữa hai đơn vị ngày càng thắt chặt. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công ty đã mua tặng 13 con bò giống trị giá hơn 145 triệu đồng cho các hộ nghèo để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Công ty hỗ trợ tu sửa nhà văn hóa cộng đồng, xây công trình vệ sinh, cải tạo, sửa chữa hệ thống điện, thay thế bóng đèn compact cho các hộ trong buôn. Hằng năm, vào các ngày lễ, Tết, công ty đều cử cán bộ, nhân viên về thăm hỏi, trao tặng hàng trăm suất quà, tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… với tổng số tiền hàng trăm triệu đồng.
"Thông qua hoạt động kết nghĩa, đơn vị đã xây dựng, tạo lập được nhiều quan hệ, trong đó nổi bật nhất là tình cảm gắn bó giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số. Với trách nhiệm và tình cảm của mình, đơn vị đã hỗ trợ gần một tỷ đồng cho các hoạt động của buôn kết nghĩa và các buôn khác trên địa bàn, giúp nhân dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống", ông Trần Văn Thuận chia sẻ.
Ông Y Tông Niê, Trưởng ban công tác Mặt trận buôn M’riu bộc bạch: "Nhân dân buôn làng cảm ơn Ðảng, Nhà nước và đơn vị kết nghĩa nhiều lắm! Từ khi kết nghĩa đến nay, buôn làng có thêm những người anh em, mỗi khi có sự kiện hay niềm vui, nỗi buồn gì, đều có người anh em về chia sẻ, động viên".
Chia tay buôn M’riu, chúng tôi tới buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar, buôn kết nghĩa với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ðắk Lắk và Công ty cổ phần văn hóa Ðắk Lắk.
Gia đình bà H'Brao Êban ở buôn Ea Măp, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M'gar được các đơn vị kết nghĩa kết nối xây tặng ngôi nhà tình nghĩa khang trang và tặng 1 con bò sinh sản, đến nay bò đã sinh sản được 4 con, giúp gia đình bà ổn định cuộc sống. |
Bí thư Chi bộ buôn Ea Măp Y Tha Mlô cho biết: Trước khi được hai đơn vị về kết nghĩa, buôn còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, đặc biệt trong buôn chưa có chi bộ, hệ thống chính trị còn yếu, việc nắm bắt tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân và xử lý, giải quyết các vụ việc còn hạn chế, chưa kịp thời nên tình hình diễn biến phức tạp… Tuy nhiên, kể từ khi được hai đơn vị về kết nghĩa với buôn đến nay, tình hình đã khác.
Dẫn chúng tôi đi thăm các gia đình được các đơn vị kết nghĩa tặng bò giống, nhà tình nghĩa, đồng chí Y Tha Mlô vui vẻ kể: Hằng tháng, các đơn vị kết nghĩa đều cử cán bộ xuống phối hợp với chi bộ, Ban tự quản buôn vừa nắm bắt tình hình và tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vừa vận động, hướng dẫn nhân dân chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao ý thức cảnh giác, không nghe theo lời kẻ xấu và các thế lực thù địch. Ngoài ra, hai đơn vị đã đóng góp và kết nối với các doanh nghiệp giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân trong buôn xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, với tổng số tiền hơn 841 triệu đồng, trong đó xây dựng ba nhà tình thương, trao 18 con bò sinh sản cho các hộ nghèo. Ðặc biệt, các đơn vị kết nghĩa đã giúp buôn thành lập chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị và đến nay đã có 19 đảng viên. Ðây là những cán bộ nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc và an ninh chính trị, trật tự xã hội trong buôn.
Theo thống kê của Ban Dân vận Tỉnh ủy Ðắk Lắk, trong 20 năm qua, các cơ quan, đơn vị các cấp trong tỉnh đã cử 212.489 lượt cán bộ, công chức, viên chức về buôn kết nghĩa, tặng 201.047 suất quà, với tổng số tiền hơn 261,8 tỷ đồng và nhiều nội dung hỗ trợ khác. Trong đó, có 104 mô hình hỗ trợ buôn kết nghĩa; tổ chức 92 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ xây dựng 81 nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết; hỗ trợ phân bón, giống, vật tư cho 325 ha đất sản xuất của nhân dân…
Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk Nguyễn Ðình Trung khẳng định: Công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với các buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn là một chủ trương lớn của Tỉnh ủy Ðắk Lắk. Qua thực tiễn công tác kết nghĩa, với tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình với đồng bào, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các cơ quan, đơn vị không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngày đêm bám buôn, bám dân, nắm chắc tình hình để tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chính xác tình hình thực tế. Với những cách làm hay, mô hình sáng tạo trong công tác vận động quần chúng, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ, giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống về mọi mặt, xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với đồng bào dân tộc thiểu số ở các thôn, buôn; góp phần xây dựng tổ chức đảng, hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc.