Phó Tổng thống Gachagua đưa ra tuyên bố trên khi chủ trì lễ ra mắt các tàu đánh cá được mua lại với sự hợp tác của Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ dự án xanh Go Blue tại thành phố ven biển Mombasa.
Ông cho biết, Chính phủ Kenya sẽ hợp tác với EU và các tỉnh ven biển để khai thác tiềm năng của lĩnh vực này, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo đảm nền kinh tế xanh, góp phần hiện thực hóa Chương trình Nghị sự chuyển đổi kinh tế từ dưới lên. Chính phủ sẵn sàng cung cấp các nguồn lực và sự hỗ trợ cần thiết để bảo đảm sự thành công của nền kinh tế xanh.
Go Blue là dự án hợp tác giữa Chính phủ Kenya và EU nhằm tăng cường nền kinh tế xanh của nước này thông qua việc trao quyền cho ngư dân địa phương. Phó Tổng thống Gachagua hoan nghênh quan hệ đối tác với EU và các tỉnh ven biển trong dự án Go Blue, đồng thời bày tỏ tin tưởng dự án sẽ cải thiện lĩnh vực đánh bắt cá.
Ông nêu rõ: “Kenya coi trọng sự hỗ trợ mà EU và các đối tác đã dành cho chúng tôi trong việc thay đổi tương lai của nền kinh tế xanh, vốn rất quan trọng trong sự phát triển quốc gia”.
Đại sứ EU tại Kenya Henriette Geiger nhận định, tiềm năng của nền kinh tế xanh của nước này là rất lớn, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các dự án để thúc đẩy nền kinh tế Kenya. Ông nêu rõ: “Nền kinh tế xanh của Kenya có tiềm năng to lớn với giá trị có thể tăng gấp bốn lần nếu được hỗ trợ đầy đủ và các chính sách bền vững được ban hành”.
Trong bối cảnh Kenya phải chật vật đối phó với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, quốc gia Đông Phi này đã kêu gọi các đối tác phát triển tài trợ cho các kế hoạch hành động khí hậu.
Kenya vừa thoát khỏi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 40 năm qua, song lại phải hứng chịu những ảnh hưởng nặng nề do lũ lụt. Biến đổi khí hậu làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng đến nền kinh tế của đất nước.
Trong bối cảnh Kenya phải chật vật đối phó với những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, quốc gia Đông Phi này đã kêu gọi các đối tác phát triển tài trợ cho các kế hoạch hành động khí hậu. Thư ký chính của Bộ Môi trường và Biến đổi khí hậu Kenya Festus Ng’eno cho biết, nước này cần 10.000 tỷ shilling (73,5 tỷ USD) để thực hiện các kế hoạch hành động khí hậu, mặc dù Kenya là quốc gia thải ra ít khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ông nêu rõ: “Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật năm 2020 của chúng tôi cần đến 62 tỷ USD và Kế hoạch hành động chống biến đổi khí hậu quốc gia giai đoạn 2018-2022 cần thêm 13,2 tỷ USD. Việc huy động nguồn vốn này là một thách thức lớn đối với Kenya”.
Giống như các quốc gia khác tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Kenya phải thiết lập NDC để giảm lượng khí thải và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời cập nhật kế hoạch này 5 năm một lần. Bộ trưởng Ng’eno cũng lưu ý rằng Kenya, tương tự hầu hết các nước đang phát triển, rất dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu.
Do đó, quốc gia này cần được hỗ trợ tài chính đầy đủ để thực hiện các kế hoạch hành động khí hậu. Trong nỗ lực chuyển đổi năng lượng, công ty điện lực quốc doanh của Kenya (KenGen) đã công bố kế hoạch đưa 3.000MW năng lượng tái tạo vào mạng lưới điện quốc gia trong 10 năm tới.
Dự án này sẽ được thực hiện dựa trên các nguồn năng lượng địa nhiệt và thủy điện, giúp công ty có thể đa dạng hóa các nguồn năng lượng hiện tại. Mục tiêu của dự án là bảo đảm năng lực sản xuất để ổn định nguồn cung cấp năng lượng của Kenya, chủ yếu từ năng lượng tái tạo xanh.
Với tổng công suất phát điện lắp đặt hiện tại là 1.904MW, công ty điện lực quốc doanh của Kenya tìm cách khai thác tiềm năng địa nhiệt to lớn ở khu vực thung lũng Rift, ước tính khoảng 10.000MW. Đây là tiềm năng mà cho đến nay công ty chỉ mới khai thác được khoảng 0,9 gigawatt. Trước mắt, KenGen sẽ bắt đầu xây dựng hai nhà máy điện địa nhiệt mới có công suất 280MW ở vùng Olkaria và 25MW ở ngôi làng Eburru ngay sau khi nhận được những loại giấy phép cần thiết và cả hai nhà máy này đều được đặt tại thung lũng Rift.