Nông dân Kenya nỗ lực bảo vệ rừng

Trước những hậu quả từ việc rừng bị tàn phá, nông dân Kenya đã có những dự án thiết thực để tái sinh các cánh rừng. Các dự án này đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ của Chính phủ Kenya.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Nathaniel Mkombola đều đặn đi tuần tra rừng Ngangao. Ảnh: LE MONDE
Ông Nathaniel Mkombola đều đặn đi tuần tra rừng Ngangao. Ảnh: LE MONDE

Nằm nép mình trong dãy núi Taita ở thị trấn Wudanyi, rừng Ngangao từng được coi là viên ngọc đa dạng sinh học của Kenya. Dù vậy, những năm qua, việc người dân ở các làng lân cận chặt hạ cây để làm củi và khai hoang để canh tác đã khiến khu rừng này đứng trước nguy cơ biến mất. Theo Le Monde, rừng ở Taita có diện tích 120 ha nhưng chỉ có duy nhất một kiểm lâm phụ trách giám sát. Chính vì vậy, trong 30 năm trở lại đây, dãy núi Taita đã mất tới 50% diện tích rừng do khai thác quá mức. Trước tình hình đó, ông Nathaniel Mkombola và John Maganga, hai nông dân 40 tuổi trong khu vực đã quyết định hành động.

Ông John nhớ lại: “Tôi từng nghe thấy tiếng suối chảy từ khu rừng cạnh nhà khi còn nhỏ. Và khi tôi lớn lên, mọi thứ không còn nữa”. Năm 2011, ông Mkombola và ông Manganga đồng sáng lập Nhóm bảo tồn đa dạng sinh học Dawida. Kể từ khi Dawida được tạo ra, hai nhà sáng lập đã đều đặn tuần tra trong rừng, tiến hành các chiến dịch nâng cao nhận thức ở các ngôi làng, liệt kê những loài chim, trồng lại nhiều loài cây đặc hữu ở Ngangao.

Theo ông Mkombola, đã có thời điểm rừng Ngangao gần như bị tàn phá hoàn toàn. Vào đầu năm 2022, họ đã phát hiện chỉ còn một cây Afrocarpus Usambarensis trong rừng. Loài cây lá kim đặc hữu này đang bị đe dọa biến mất ở Kenya và Tanzania. Do đó, họ đã trồng lại 2.000 cây quý này. Không chỉ vậy, để giảm nạn phá rừng, các thành viên Dawida thậm chí phân phát bếp lò tiêu thụ ít củi cho người dân sống trong khu vực.

Giới chức Kenya cho biết, phải có giấy phép chính thức mới có thể khai thác gỗ trong các cánh rừng. Tuy nhiên trên thực tế, kiểm lâm với lực lượng quá mỏng không thể kiểm soát tất cả những người đến và đi. Do đó, vào năm 2015, Dawida đã khởi xướng quy trình công nhận bảo tồn rừng với Chính phủ Kenya, với mục tiêu kép: Bảo vệ toàn diện Ngangao đồng thời chia sẻ một phần lợi ích của du lịch sinh thái với các làng chung quanh.

Ngangao chỉ là một trong những cánh rừng đang bị tàn phá tại Kenya. Quốc gia này cam kết bảo vệ 30% diện tích đất đai của mình vào năm 2030, như một phần của thỏa thuận đạt được tại Hội nghị lần thứ 15 Các bên tham gia Công ước LHQ về đa dạng sinh học (COP15), diễn ra từ ngày 7 đến 19/12 vừa qua tại Québec (Canada). Đây được cho là mục tiêu đầy tham vọng, bởi Kenya là đất nước nổi tiếng với việc chặt phá rừng trái phép. Hiện, ước tính chỉ có 12,4% diện tích đất rừng được bảo vệ. Con số này thấp hơn so diện tích rừng mà Kenya cam kết bảo tồn vào năm 2020 là 17% tại hội nghị COP10 diễn ra tại tỉnh Aichi của Nhật Bản năm 2010.

Nancy Githaiga, Giám đốc Tổ chức động vật hoang dã châu Phi, một trong những người đi đầu về bảo tồn rừng tại “lục địa đen” cho biết: “Chính quyền Kenya sẽ không tạo ra các công viên hoặc khu bảo tồn thiên nhiên mới. Họ có kế hoạch thỏa thuận với cộng đồng địa phương để bảo vệ đất công”. Quyết định này của chính phủ khiến người dân tại các khu vực rừng được bảo tồn tỏ ra lo lắng. Việc chính quyền biến những mảnh đất nơi họ sinh sống thành khu bảo tồn sẽ khiến họ buộc phải rời bỏ nhà cửa. Song, Chính phủ Kenya cam kết sẽ mở rộng các vùng đất được bảo vệ, bao gồm các cộng đồng bản địa - “chủ sở hữu” lịch sử của những mảnh đất này.

Ramson Karmushu, người dân tại Ngangao bày tỏ đồng tình với kế hoạch của chính phủ. “Mọi người đều đồng ý với việc bảo vệ môi trường, nhưng điều này không nên gây hại cho người dân bản địa. Đã đến lúc tìm ra các phương thức bảo tồn những vùng đất thay vì chiếm đoạt chúng”. Trong thời gian tới, Chính phủ Kenya, người dân tại các khu bảo tồn cùng các tổ chức địa phương sẽ phối hợp để tạo ra những dự án mới nhằm bảo vệ và tái sinh rừng tại quốc gia này.