Tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Hungary nhân chuyến công du Hungary, Bộ trưởng Cavusoglu nêu rõ: Tại cuộc gặp Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Ðiển, các đại diện đảng phái trong Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đều nêu rõ rằng, nghị định thư chỉ có thể được phê chuẩn khi các nghĩa vụ với Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện. Trong điều kiện hiện nay, không nên đề cập việc phê duyệt văn kiện này. Ankara cũng cho biết, có thể nhìn nhận tích cực về tư cách thành viên của Phần Lan nếu Phần Lan đưa đơn gia nhập NATO tách biệt với Thụy Ðiển.
Mới đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để ngỏ khả năng chấp nhận để Phần Lan gia nhập NATO trước Thụy Ðiển. Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, nước này vẫn đang theo đuổi kế hoạch gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Ðiển; bày tỏ hy vọng Helsinki và Stockholm có thể trở thành thành viên của NATO muộn nhất là vào tháng 7 tới.
Tháng 5/2022, Phần Lan và Thụy Ðiển nộp đơn xin gia nhập NATO. Theo quy định, đơn cần được sự chấp thuận của toàn bộ 30 nước thành viên của NATO. Hiện đã có 28 nước chấp thuận. Hungary dự kiến chấp thuận đơn xin gia nhập của Phần Lan vào tháng 2/2023.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng Helsinki và Stockholm cần làm nhiều hơn nữa để đơn xin gia nhập NATO được Ankara chấp thuận. Sau cuộc biểu tình gần Ðại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Thụy Ðiển tuần trước, trong đó có hành động đốt bản sao kinh Koran, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh không ủng hộ Thụy Ðiển gia nhập NATO; phía Thụy Ðiển thông báo tạm dừng tiến trình xin gia nhập NATO.