JICA tài trợ vốn 25 triệu USD cho dự án điện gió ở Quảng Trị

NDO -

Ngày 27-5, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho biết đã ký Hiệp định vốn vay trị giá 25 triệu USD cho dự án điện gió trên đất liền tại tỉnh Quảng Trị với tổng công suất phát điện 144MW.

Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Báo Đầu tư
Dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, Quảng Trị. Ảnh: Báo Đầu tư

Đây là dự án sản xuất điện gió được tài trợ theo hình thức cho vay dự án đầu tiên của JICA tại Việt Nam, được kỳ vọng là mô hình mẫu cho các dự án điện gió do khối tư nhân, bao gồm các công ty Nhật Bản và Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đầu tư.

Ngoài ra, dự án còn góp phần thực hiện “Sáng kiến về cho vay và đầu tư hải ngoại khu vực ASEAN” công bố tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản ngày 4-11-2019 và cũng là dự án điện gió quy mô lớn tại Việt Nam lần đầu tiên do doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư.

Chủ đầu tư dự án là Công ty cổ phần Xây lắp điện I - một công ty lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo và xây lắp công trình điện - và RENOVA Inc., công ty năng lượng tái tạo hàng đầu của Nhật Bản. 

Bên vay là ba công ty dự án bao gồm Công ty cổ phần Điện gió Liên Lập, Công ty cổ phần Điện gió Phong Nguyên và Công ty cổ phần Điện gió Phong Huy. Dự án do JICA, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Cơ quan tín dụng xuất khẩu (EFA) của Chính phủ Australia đồng tài trợ vốn.

Theo Bộ Công thương, nhu cầu điện tại Việt Nam dự báo sẽ tăng từ 8-8,5% hằng năm trong giai đoạn 2021-2025 và sẽ tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, Chính  phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 9% tổng lượng khí phát thải nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và đề ra các chính sách cụ thể nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo.

Nhằm tăng khả năng cung cấp điện năng và các biện pháp chống biến đổi khí hậu, Chính phủ đặt mục tiêu tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125-130 GW, với tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp đạt khoảng 15-20%.

Chính phủ chủ trương tận dụng nguồn năng lượng gió dồi dào ở vùng núi và duyên hải Việt Nam để phát triển điện gió đạt công suất 6.000 MW (khoảng 5% sản lượng điện đầu vào năm 2030).