Dự luật gồm 25 điều, quy định những nguyên tắc chung về nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển, phê duyệt và ứng dụng AI ở Italy, tạo hành lang pháp lý để đối phó với “tác động đến các quyền cơ bản” và các rủi ro kinh tế, xã hội liên quan.
Phạm vi của dự luật bao phủ việc sử dụng các công cụ AI trong lĩnh vực y tế và tư pháp, tập trung vào tác động đối với các điều kiện việc làm. Đồng thời, dự luật này cũng đặt nền móng cho việc xây dựng chiến lược quốc gia của Italy về trí tuệ nhân tạo.
Dự luật tăng cường các hình phạt đối với hành vi gian lận thị trường thông qua các công cụ AI và quy định rằng việc sử dụng AI để rửa tiền là một tình tiết tăng nặng.
Văn bản này cũng đưa ra mức phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền thông qua AI và phạt tù lên tới 3 năm đối với những đối tượng sử dụng các công cụ AI để thay thế người khác, chẳng hạn như tạo ra các deepfake gây hại.
Italy hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Nhóm Các nước công nghiệp phát triển (G7). Thủ tướng Giorgia Meloni cho biết AI sẽ là một trong những vấn đề then chốt của nhiệm kỳ Chủ tịch năm 2024, trong đó có hội nghị thượng đỉnh G7 vào giữa tháng 6 tới.
AI cũng đã trở thành một vấn đề quan trọng nhận được nhiều sự quan tâm ở Liên minh châu Âu (EU). Khối này đang tiến gần hơn tới việc áp dụng các quy tắc đầu tiên trên thế giới về các công cụ như vậy, bảo đảm chúng tuân thủ các nghĩa vụ cụ thể về tính minh bạch cũng như luật bản quyền của EU.
Tháng 3 vừa qua, bà Meloni cho biết đang lên kế hoạch thành lập một quỹ đầu tư để thúc đẩy các dự án AI với số vốn ban đầu là 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD). Quỹ có thể huy động thêm 2 tỷ euro từ khu vực tư nhân.
Reuters dẫn hai nguồn tin chính phủ cho biết, nội các Italy sẽ “bật đèn xanh” cho dự luật trên vào cuối tháng 4. Văn bản này sẽ được trình Quốc hội xem xét để có những điều chỉnh cần thiết và phê duyệt lần cuối trước khi có hiệu lực.