Bước đi cần thiết giải quyết khủng hoảng năng lượng ở châu Âu

Năng lượng là một trong những chủ đề chính được ưu tiên bàn thảo tại Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) diễn ra vào tuần này. Đây là động thái cấp bách của châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay, khi  mùa đông giá rét đang “gõ cửa”. 

Nhà máy nhiệt điện PGNiG Termika Zeran ở Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: Reuters)
Nhà máy nhiệt điện PGNiG Termika Zeran ở Warsaw, Ba Lan. (Ảnh: Reuters)

Trước thềm Hội nghị cấp cao sắp tới, các nhà lãnh đạo EU đều kỳ vọng sẽ thống nhất được giải pháp dài hạn cho “bài toán hóc búa” năng lượng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel nêu rõ, giá khí đốt tăng phi mã là mối quan tâm lớn vào lúc này của mọi hộ gia đình và doanh nghiệp. Giá điện tại các nước EU đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm nay, trong khi giá khí đốt tự nhiên tăng gấp nhiều lần. Các phương tiện giao thông xếp hàng dài ở trạm xăng dầu do nhu cầu tăng đột biến. Người tiêu dùng châu Âu đang cận kề nguy cơ trải qua một “mùa sưởi ấm đắt đỏ” vào những ngày đông.  

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại lục địa già đe dọa cản trở đà phục hồi mong manh của nền kinh tế khu vực và toàn cầu. Cuộc khủng hoảng này vốn đã “manh nha” từ mùa đông năm ngoái, khi thời tiết giá lạnh bất thường khiến nhu cầu sưởi ấm tăng vọt, làm giảm lượng dự trữ khí đốt tại châu Âu xuống mức đáng lo ngại vào tháng 3/2021.

Đến nay, sau một thời gian triển khai hiệu quả chiến dịch tiêm vắc-xin Covid-19, hầu hết các nước châu Âu dần trở lại cuộc sống bình thường, hoạt động kinh tế được đẩy mạnh. Đây là nguyên do khiến nhu cầu tiêu dùng năng lượng tăng cao, nhất là trong các ngành công nghiệp.

Trước tình trạng “nước sôi lửa bỏng” của năng lượng, EC mới đây tung ra một loạt biện pháp mang tính tạm thời, cho phép các quốc gia EU giữ giá nhiên liệu và giá điện ở mức thấp. Bản thân mỗi nước cũng tìm phương án riêng giúp giảm bớt gánh nặng chi phí cho người dân. Đức hạ đáng kể mức thuế tiêu thụ điện từ năm 2022 cho người tiêu dùng; Pháp lên kế hoạch hỗ trợ mỗi gia đình khó khăn một phiếu mua nhiên liệu trị giá 100 euro… Trong khi đó, Nga, nhà cung cấp khí đốt lớn của EU cho biết, dù mức tiêu thụ khí đốt của “xứ sở bạch dương” cũng ở mức cao kỷ lục, song nước này sẵn sàng tăng lượng cung khí đốt cho châu Âu.

Cao ủy phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson nhận định, cuộc khủng hoảng hiện nay là “hồi chuông cảnh tỉnh” về những nguy cơ khi các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhiên liệu hoá thạch. Tìm ra giải pháp bền vững cho vấn đề năng lượng, trong đó có đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng xanh, là bước đi cần thiết và cấp bách ngay lúc này của châu Âu nhằm tiến tới ổn định thị trường khu vực.

TƯỜNG VY