Italia thu hẹp khoảng cách vùng miền về phát triển kinh tế

NDO - Theo Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia Fabio Panetta, các khu vực phía nam nước này vốn kém phát triển hơn khu vực công nghiệp miền bắc trong nhiều năm qua đã cho thấy dấu hiệu tích cực hơn trong việc thu hẹp khoảng cách phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh nhà máy sản xuất chip STMicroelectronics ở Catania, Italia. (Ảnh: Reuters)
Quang cảnh nhà máy sản xuất chip STMicroelectronics ở Catania, Italia. (Ảnh: Reuters)

Phát biểu tại sự kiện tổ chức ở thành phố Catania, đảo Sicily ngày 19/9, ông Panetta nhấn mạnh rằng trong nhiều thập kỷ qua, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người ở miền nam Italia chỉ bằng hơn một nửa so với phần còn lại của đất nước.

Tuy nhiên, kể từ sau đại dịch Covid-19, kinh tế của khu vực "Mezzogiorno" - nằm ở vị trí chiến lược ngay tại ngã ba của biển Địa Trung Hải, nơi chiếm tới 1/5 lưu lượng hàng hải toàn cầu - đã phục hồi nhanh hơn mức trung bình toàn quốc, với tăng trưởng việc làm mạnh mẽ hơn.

Theo đó, từ năm 2019 đến 2023, GDP ở miền nam đã tăng 3,7% so với 3,3% ở miền trung-bắc, xuất khẩu tăng 13% so với 9%, và việc làm tăng 3,5% so với 1,5%, ông Panetta cho biết.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Italia cho biết thêm, theo các chỉ số mới nhất, kinh tế của miền nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, ông Panetta cũng cảnh báo rằng xu hướng tích cực này một phần là do các yếu tố tạm thời liên quan đến các biện pháp kích thích kinh tế hậu Covid-19 và các chương trình phúc lợi tập trung mạnh vào miền nam.

Song, ông cho biết các yếu tố cơ cấu cũng đang phát huy vai trò thúc đẩy, thí dụ như quá trình tái cơ cấu và củng cố sản xuất đã giúp thanh lọc bớt những công ty yếu kém, hoạt động kém hiệu quả và nhỏ lẻ ra khỏi thị trường.

Để duy trì đà phát triển dựa trên các tín hiệu tích cực này, ông Panetta kêu gọi các khu vực ở miền nam nước này tăng cường năng lực sản xuất thông qua đầu tư và cải cách, chứ không chỉ phụ thuộc vào các chính sách phúc lợi.

Đặc biệt, cần thiết phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt và cảng, cũng như giải quyết tình trạng thiếu nước.