Cục Thống kê quốc gia Italia (ISTAT) ngày 25/3 công bố số liệu cho thấy, những người sống trong tình trạng "nghèo đói tuyệt đối" ở nước này đã tăng lên 5,75 triệu người vào năm ngoái, tương đương 9,8% dân số, tăng nhẹ so với mức 9,7% vào năm 2022 và là mức cao nhất kể từ năm khi ISTAT bắt đầu thu thập dữ liệu liên quan vào năm 2014.
Nền kinh tế quốc gia Nam Âu này đã phục hồi mạnh mẽ hơn sau suy thoái do ảnh hưởng Covid-19 trong giai đoạn 2020-2021 so với các nước láng giềng như Đức và Pháp, cùng với sự gia tăng việc làm. Tuy nhiên, báo cáo của ISTAT cho thấy sự phục hồi này không giúp ích được gì nhiều cho những người nghèo nhất.
Tỷ lệ những người nghèo tuyệt đối ở mức 9,1% vào năm 2020 và 9,0% vào năm 2021 - giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch và cũng là thời điểm khi tác động của suy thoái kinh tế đối với các hộ gia đình được bù đắp một phần nhờ nhiều biện pháp hỗ trợ của chính phủ.
ISTAT định nghĩa nghèo đói tuyệt đối là tình trạng người dân không thể mua hàng hóa và chi trả cho dịch vụ thiết yếu để đáp ứng "mức sống chấp nhận được", nhằm bảo đảm họ không bị đẩy ra bên lề xã hội.
Ngoại trừ mức giảm vào năm 2019, tỷ lệ nghèo ở Italia vẫn tăng đều đặn từ mức 6,9% vào năm 2014, thời điểm ISTAT bắt đầu thu thập và phân tích chuỗi dữ liệu.
Năm ngoái, chính phủ của nữ Thủ tướng Giorgia Meloni bắt đầu thu hẹp dần khoản trợ cấp xóa nghèo cho công dân Italia vốn được khởi động vào năm 2019, bất chấp một số nhà kinh tế và Ngân hàng Trung ương Italia đã lên tiếng cảnh báo về tác động của chính sách này đối với tình trạng nghèo đói.
Chương trình mà ISTAT cho biết đã giúp khoảng 1 triệu gia đình Italia thoát nghèo vào năm 2019, đã bị hủy bỏ hoàn toàn từ đầu năm nay và được thay thế bằng một khoản trợ cấp hạn chế, chủ yếu nhắm vào những người bị hạn chế về thể chất và không thể kiếm việc làm.
Chia theo khu vực, tỷ lệ người nghèo tuyệt đối ở Italia vào năm ngoái ở mức 9,0% tại miền bắc, 8,0% ở miền trung và 12,1% ở miền nam nước này.
Dữ liệu ISTAT cho thấy, trong khi mức nghèo đói vào năm 2023 tăng ở miền bắc và miền trung so với năm trước, tỷ lệ này lại giảm ở miền nam Italia vốn thường có lịch sử thống kê “nghèo hơn” các khu vực khác qua các năm.