Theo Bộ Y tế Italia, nước này đã có 545 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ và chiến dịch tiêm chủng được bắt đầu chậm hơn 1 tháng so với các quốc gia khác có số ca mắc cao hơn, bao gồm Mỹ, Anh và Tây Ban Nha.
Các đối tượng được tiêm vaccine là những người đồng tính nam, song tính nam và những người chuyển giới gần đây đã có quan hệ tình dục với nhiều bạn tình, cùng các nhân viên bệnh viện chuyên chữa trị các ca bệnh đậu mùa khỉ.
Italia sử dụng vaccine Jynneos (MVA-BN) phòng bệnh đậu mùa do công ty Bavarian Nordic sản xuất và được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) phê duyệt.
Bệnh viện Spallanzani ở Rome cho biết, sẽ tiêm những liều vaccine đầu tiên cho 200 người bắt đầu từ ngày 8/8 và có 600 người đã đặt lịch.
Sau đó, công tác tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ sẽ được bắt đầu ngày 11/8 tại thành phố Milan.
Italia hiện không có kế hoạch tiêm chủng đại trà vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ. Vùng Lazio (có thủ đô Rome) nhận được 1.200 liều vaccine, trong khi vùng Lombardy nhận được 2.000 liều, Emilia-Romagna nhận được 600 liều và Veneto nhận được 400 liều.
Thế giới đang thiếu vaccine và thuốc điều trị bệnh đậu mùa khỉ, căn bệnh lây lan chủ yếu bởi các tiếp xúc gần, gây ra các vết loét và các triệu chứng giống như cúm, nhưng hiếm khi gây tử vong.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu - cấp độ cảnh báo cao nhất với 1 đợt bùng phát dịch bệnh.
Sau động thái của WHO, Mỹ - hiện ghi nhận nhiều ca mắc nhất thế giới - ngày 4/8 cũng đã tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng.
WHO đang khuyến nghị tiêm vaccine cho các nhóm có nguy cơ cao, bao gồm những nhân viên y tế, những nam giới có quan hệ đồng tính với nhiều bạn tình.
WHO cũng cảnh báo phải mất vài tuần sau khi tiêm phòng mũi vaccine thứ hai để vaccine phát huy đầy đủ hiệu quả bảo vệ. Vì vậy, mọi người cần tiếp tục phòng tránh cho tới thời điểm vaccine thực sự phát huy hiệu quả.
Bệnh đậu mùa khỉ vốn không nhận được nhiều sự chú ý trên toàn cầu vì từ nhiều thập kỷ qua thường chỉ lưu hành ở châu Phi. Tuy nhiên, đến tháng 5, các ca bệnh lần đầu được ghi nhận ở ngoài châu lục này.
Các bệnh nhân có các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, trong đó có sốt, choáng váng, nổi mẩn mưng mủ trên da và có thể khỏi bệnh sau vài tuần.
Hiện thế giới đã có 26.500 ca mắc căn bệnh này, bên ngoài những nước châu Phi mà bệnh vốn thường lây lan, chủ yếu ở nhóm nam giới có quan hệ đồng tính và song tính.