Thế giới nỗ lực ngăn chặn lây lan đậu mùa khỉ

Nhiều bang của Mỹ đã ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu liên quan làn sóng bệnh đậu mùa khỉ với hơn 22.100 ca mắc tại 78 nước.
0:00 / 0:00
0:00
Một điểm tiêm ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại bang California của Mỹ. Ảnh: AP
Một điểm tiêm ngừa bệnh đậu mùa khỉ tại bang California của Mỹ. Ảnh: AP

Dịch bệnh lây lan nhanh

Đậu mùa khỉ đang lây lan chưa từng có ở châu Âu và một số nước như Mỹ, Canada. Trước tháng 5, virus này chủ yếu lây lan ở Tây và Trung Phi. Châu Âu là tâm chấn của dịch bệnh với 70% trường hợp người mắc và 25% ở châu Mỹ. Khoảng 10% các trường hợp phải nhập viện. Theo WHO, một số nước đã thông báo các ca tử vong có liên quan đến virus đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi. Các ca bệnh gia tăng đã gây áp lực đối với các nước trong việc triển khai tiêm vaccine phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.

Thống đốc bang California (Mỹ), ông Gavin Newsom ngày 1/8 ban bố tình trạng khẩn cấp về bệnh đậu mùa khỉ tại bang này, trong một động thái nhằm tăng cường các nỗ lực tiêm chủng để ngăn chặn bệnh lây lan. Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, tính đến đầu tháng 8, bang đông dân nhất nước Mỹ này đã ghi nhận 827 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ, trở thành bang có số ca mắc nhiều thứ hai, sau bang New York.

Theo CDC Mỹ, số ca mắc đậu mùa khỉ được xác nhận ở Mỹ đã lên đến hơn 5.000 ca, trong đó Illinois xếp thứ ba với 520 ca. Chicago, thành phố lớn nhất bang Illinois, đã ghi nhận 330 ca mắc đậu mùa khỉ. Thống đốc bang Illinois, ông J.B.Prizker cũng vừa ban bố tình trạng khẩn cấp do bệnh đậu mùa khỉ nhằm “mở rộng các nguồn lực” cần thiết để đối phó sự bùng phát dịch bệnh nguy hiểm này.

Tuần trước, Thống đốc bang New York, Kathy Hochul cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ. Một số thành phố lớn của Mỹ như New York, San Francisco cũng tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với căn bệnh này.

Các nước triển khai chiến dịch tiêm vaccine

Người đứng đầu cơ quan y tế khu vực Paris (Pháp) Amelie Verdier cho biết, 25 trung tâm tiêm vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ đã được thiết lập, trong đó có Thủ đô Paris, kể từ ngày 8/7. Tính đến đầu tháng 8, hơn 8.000 mũi tiêm đã được thực hiện tại Paris. Riêng trong tuần trước, lực lượng chức năng đã tiêm được khoảng 5.000 mũi. Pháp có số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ cao thứ năm trên toàn thế giới, với gần 2.000 ca. Hơn 95% trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Pháp là ở những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Trước việc thiếu nhân lực, Chính phủ Pháp cho biết, sẽ huy động thêm lực lượng để triển khai việc tiêm chủng, trong đó có cả các sinh viên đang theo học ngành y.

Bộ Y tế Thailand đã lên kế hoạch tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ cho các nhóm có nguy cơ cao. Lô vaccine đầu tiên gồm 1.000 mũi dự kiến sẽ được vận chuyển tới Thailand trong nửa sau tháng 8. Kể từ tháng 5, các bệnh viện tại Thailand đã được yêu cầu sàng lọc các trường hợp có thể mắc bệnh này và lập tức thực hiện xét nghiệm đối với những bệnh nhân nghi nhiễm.

Bỉ cũng mở rộng tiêm chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ cho các nhóm ưu tiên. Bộ trưởng Y tế liên bang Yves Van Laethem, thành viên của Hội đồng Y tế cấp cao Bỉ cho biết, tiêm chủng ngừa bệnh đậu mùa khỉ sẽ được mở rộng trong tuần này cho bốn nhóm ưu tiên. Việc tiêm phòng được thực hiện với hai liều, cách nhau ít nhất 28 ngày. Hiện, Bỉ đang có sẵn 3.000 liều vaccine và dự kiến sẽ được nhận 30.000 liều vào mùa thu tới. Cho tới nay, Bỉ ghi nhận 393 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Hiện, vaccine của nhà sản xuất Bavarian Nordic (Đan Mạch) là vaccine duy nhất được sử dụng để chống lại bệnh đậu mùa khỉ. TS Meg Doherty, Giám đốc các chương trình toàn cầu về HIV, viêm gan và STI (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục) của WHO cho rằng, cần bảo đảm tiếp cận công bằng nguồn vaccine, nhất là ở châu Phi, nơi bệnh đậu mùa khỉ đã tồn tại trong nhiều thập kỷ.

Các quan chức của Cơ quan y tế công cộng Canada cho biết, 70.000 liều vaccine Imvamune của hãng Bavarian Nordic đã được chuyển đến các tỉnh/bang và khoảng 27.000 liều đã được tiêm. Canada đang kêu gọi các nhóm dễ bị tổn thương đi tiêm phòng để hạn chế sự lây lan.