Theo thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel, Nội các chiến tranh của nước này đã nhóm họp và yêu cầu nhóm đàm phán của Israel nối lại thảo luận về vấn đề trao trả con tin vẫn bị giam giữ ở Gaza. Vòng đàm phán trước đó đã kết thúc sau khi Israel triển khai hoạt động quân sự trên bộ vào thành phố Rafah ở phía nam Gaza.
Người dân Israel hối thúc Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu đạt được thỏa thuận ngừng bắn để giải thoát số con tin còn lại vẫn bị giam giữ ở Gaza. Trong khi đó, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục kêu gọi Israel và Hamas tiến tới thỏa thuận ngừng bắn, thông qua vai trò trung gian hòa giải của Mỹ, Ai Cập và Qatar.
Các nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết, nước này vẫn đóng vai trò trung gian hòa giải về thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin ở Gaza, đồng thời đang thảo luận với Israel về thời điểm nối lại đàm phán. Trước đó, trong cuộc điện đàm với các nhà đàm phán Ai Cập, giới chức an ninh Israel đánh giá cao vai trò của Cairo trong tiến trình đàm phán.
Bất chấp việc các nước đang nỗ lực thúc đẩy đàm phán ngừng bắn, các quan chức y tế và truyền thông Hamas cho biết, quân đội Israel tiếp tục tấn công vào Dải Gaza. Lực lượng Israel tăng cường tấn công trên bộ vào thị trấn Jabalia ở bắc Gaza và bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công có mục tiêu ở thị trấn Beit Hanoun gần đó.
WB cảnh báo nguy cơ sụp đổ tài chính
Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Chính quyền Palestine đang đối mặt nguy cơ sụp đổ tài chính, khi nguồn thu cạn kiệt và hoạt động kinh tế suy giảm nhanh chóng, trong bối cảnh xung đột leo thang ở Gaza. Tuyên bố của WB nêu rõ, tình hình tài chính của Chính quyền Palestine trở nên tồi tệ hơn trong ba tháng qua, làm tăng nguy cơ sụp đổ tài chính.
WB dự báo trong những tháng tới, thâm hụt ngân sách của Chính quyền Palestine sẽ lên tới hàng tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng hỗ trợ nước ngoài cho Chính quyền Palestine. Theo WB, gần nửa triệu việc làm trong nền kinh tế Palestine đã bị mất kể từ tháng 10/2023, khi xung đột bùng phát tại Gaza. Trong khi đó, gần như tất cả người dân ở Gaza đều đang sống trong cảnh nghèo đói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nguy cơ xảy ra khủng hoảng nhân đạo nếu Israel cắt đứt các kênh giao dịch tài chính quan trọng với các ngân hàng của Palestine. Những ngân hàng nêu trên đóng vai trò thiết yếu trong xử lý giao dịch hàng hóa nhập khẩu từ Israel, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa để tạo nguồn sinh kế cho người dân Palestine. Vì vậy, việc ngừng các kênh tài chính này không chỉ gây ra thảm họa nhân đạo mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới kinh tế Israel.
Giới chức Mỹ bày tỏ quan ngại về việc Israel chặn các khoản tiền thuế thu hộ cho Chính quyền Palestine, đồng thời nhấn mạnh hành động này sẽ kéo theo tác động tiêu cực đối với sự ổn định kinh tế ở Bờ Tây. Theo Bộ Tài chính Mỹ, vấn đề này có thể được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính Nhóm các nước công nhiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Ủng hộ công nhận Nhà nước Palestine
Tổng thống Brazil Lula da Silva ca ngợi quyết định của các nước Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy về việc công nhận Nhà nước Palestine. Tổng thống Brazil khẳng định, đây là quyết định mang tính lịch sử; đồng thời nhấn mạnh, quyết định này sẽ tác động tích cực đối với nỗ lực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Ông Lula da Silva nhấn mạnh, hòa bình và ổn định sẽ chỉ đến khi sự tồn tại của Nhà nước Palestine độc lập được bảo đảm.
Các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy nêu rõ, việc công nhận Nhà nước Palestine sẽ tạo động lực giúp khởi động một tiến trình đàm phán mới cho cuộc xung đột Israel-Palestine dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Điều này phù hợp Sáng kiến hòa bình Trung Đông do các nước Arab đề xuất.
Trong khi đó, nhấn mạnh Chính quyền Palestine không phải là Hamas, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, việc các nước công nhận Chính quyền Palestine không phải là “một món quà” dành cho phong trào Hồi giáo Hamas.