Israel ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại Rafah

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết đã ấn định ngày tiến hành chiến dịch quân sự tại thành phố Rafah ở phía nam Dải Gaza. Thông báo của Thủ tướng Netanyahu có đoạn: “Hôm nay, tôi nhận được báo cáo cụ thể về tiến trình đàm phán ở Cairo (Ai Cập), chúng tôi đang không ngừng nỗ lực để đạt được mục tiêu của mình, trước hết là thả tất cả con tin và giành được chiến thắng hoàn toàn trước Hamas”. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Israel không tiết lộ thời điểm tiến hành chiến dịch.
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên từ các tòa nhà sau vụ oanh kích của quân đội Israel xuống phía bắc Dải Gaza ngày 28/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khói bốc lên từ các tòa nhà sau vụ oanh kích của quân đội Israel xuống phía bắc Dải Gaza ngày 28/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, một quan chức của phong trào Hồi giáo Hamas cho biết, vòng đàm phán tại Cairo về ngừng bắn ở Dải Gaza không đạt tiến triển nào. Thông tin này trái ngược với thông tin mà kênh truyền hình Al-Qahera News của Ai Cập trước đó cho biết đàm phán đã đạt tiến triển sau khi các bên tham gia nhất trí về những điểm cơ bản.

Nỗ lực đạt thỏa thuận ngừng bắn

Ngày 9/4, Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Cameron có chuyến công du Mỹ và hội đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken về tình hình xung đột ở Trung Ðông. Tuyên bố của Bộ ngoại giao Anh cho biết, ông Cameron kêu gọi điều tra minh bạch về cuộc không kích của Israel khiến bảy nhân viên cứu trợ nhân đạo, trong đó có ba công dân Anh thiệt mạng. Chính phủ Anh đang phải đối mặt những kêu gọi đình chỉ xuất khẩu vũ khí sang Israel.

Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Australia Penny Wong điện đàm nhấn mạnh sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài ở Dải Gaza, đồng thời bảo đảm cung cấp viện trợ đầy đủ, an toàn và nhanh chóng cho người dân Palestine. Quan chức ngoại giao Ai Cập và Australia lên tiếng bác bỏ hoàn toàn mọi hoạt động quân sự của Israel nhằm vào thành phố Rafah.

Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập tiếp tục thả hàng cứu trợ xuống Dải Gaza, trước thềm lễ Eid Al Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Bộ Quốc phòng UAE cho biết, bốn máy bay chở 82 tấn thực phẩm, cũng như các gói quà nhân dịp lễ Eid Al Fitr bao gồm quần áo, giày dép, đồ chơi và kẹo bánh được thả xuống khu vực bắc Gaza. Ðây là đợt thả dù mang hàng cứu trợ thứ 28 được thực hiện trong một hoạt động chung giữa Các Lực lượng vũ trang UAE và Ai Cập. Tổng cộng 1.647 tấn hàng viện trợ đã được phân phát trong chiến dịch này.

UAE cũng đang tiếp nhận hơn 1.200 người Palestine điều trị y tế tại thành phố Emirates ở thủ đô Abu Dhabi. Theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, cuộc xung đột kéo dài sáu tháng qua đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 33.175 người.

Quốc tế ủng hộ Palestine

Ngày 8/4, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nối lại việc xem xét đơn xin gia nhập Liên hợp quốc với tư cách thành viên đầy đủ của Palestine và quyết định chuyển thủ tục này tới Ủy ban kết nạp thành viên mới mà không có ý kiến nào phản đối. Trước đó, ngày 2/4, Phái đoàn Quan sát viên thường trực của Palestine gửi thư cho Tổng Thư ký Antonio Guterres đề nghị Liên hợp quốc một lần nữa xét đơn của Palestine xin gia nhập tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh với tư cách thành viên chính thức.

Ðại sứ Palestine tại Liên hợp quốc Riyad Mansour gọi “đây là thời khắc lịch sử” khi Hội đồng Bảo an bắt đầu xem xét tiến trình Palestine xin trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc. Ðại sứ Malta, nước giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an tháng 4/2024, Vanessa Frazier xác nhận “vấn đề quyết định tư cách thành viên của Palestine sẽ diễn ra trong tháng 4”.

Năm 1974, Ðại hội đồng Liên hợp quốc thông qua Nghị quyết 3237 công nhận Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) làm quan sát viên. Tới tháng 11/2012, Ðại hội đồng tiếp tục thông qua nghị quyết trao cho Nhà nước Palestine quy chế một quan sát viên tại Liên hợp quốc. Hiến chương Liên hợp quốc quy định việc kết nạp các thành viên mới do Ðại hội đồng Liên hợp quốc quyết định căn cứ theo khuyến nghị của Hội đồng Bảo an, nơi thành viên xin gia nhập cần nhận được 9 trong số 15 phiếu ủng hộ của các thành viên Hội đồng Bảo an và không có ủy viên thường trực nào phủ quyết. Palestine sau đó cần nhận được sự ủng hộ của hai phần ba số thành viên Ðại hội đồng Liên hợp quốc để trở thành thành viên chính thức.

Kêu gọi giảm leo thang căng thẳng

Các quan chức Liên hợp quốc cho rằng phải chấm dứt sáu tháng bạo lực biên giới giữa Israel và Liban, đồng thời kêu gọi giảm leo thang căng thẳng thông qua con đường ngoại giao. Theo một tuyên bố chung của Ðiều phối viên đặc biệt của Liên hợp quốc tại Liban và người đứng đầu Lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Liban (UNIFIL), đã sáu tháng kể từ khi nổ ra các cuộc đấu súng qua Ðường Xanh (biên giới giữa Liban và Israel) và tình hình vẫn không suy giảm, gây thiệt hại nặng nề cho cả hai bên.

Tuyên bố kêu gọi tất cả các bên tránh leo thang căng thẳng khi vẫn còn không gian cho ngoại giao; đồng thời cảnh báo việc mở rộng dần về phạm vi cũng như quy mô của các cuộc đối đầu làm tăng đáng kể nguy cơ tính toán sai lầm và “khiến tình hình vốn đã đáng báo động càng trở nên tồi tệ hơn”. Cũng theo hai quan chức Liên hợp quốc, một tiến trình chính trị, gắn liền với việc thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc giờ đây quan trọng hơn bao giờ hết để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột.

Các lực lượng Israel và lực lượng Hezbollah tại Liban thường đấu súng xuyên biên giới kể từ sau khi nổ ra cuộc xung đột giữa Hamas và Israel tại Dải Gaza vào tháng 10 năm ngoái. Gần đây, Hezbollah đã tăng cường các cuộc tấn công, cho dù các cuộc tấn công này thường chỉ giới hạn ở Ðường Xanh. Trong khi đó, Israel ngày càng tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Liban, đồng thời nhắm vào các chỉ huy Hezbollah. Theo một thống kê, bạo lực cho đến nay đã khiến ít nhất 363 người ở Liban thiệt mạng.

Ngày 8/4, Quân đội Israel thông báo sử dụng máy bay chiến đấu thực hiện một đợt không kích xuyên đêm nhằm vào khu vực Sultaniyeh ở miền nam Liban, tiêu diệt Ali Ahmed Hussein - chỉ huy cấp cao của Lữ đoàn Radwan thuộc phong trào Hezbollah, và hai tay súng khác.