Phát biểu với báo giới ngày 10/10, ông Kanaani cho biết, Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian mới đây đã nhắc lại rằng, cách tiếp cận của nước Cộng hòa Hồi giáo là duy trì tiến trình đàm phán để đạt được một thỏa thuận lâu dài và bền vững, đảm bảo được các lợi ích cơ bản của đất nước.
Theo ông, Mỹ và 3 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) tham gia thỏa thuận hạt nhân là Pháp, Anh và Đức đã gắn các cuộc đàm phán hạt nhân với các cuộc bạo lực mới nhất ở Iran, khẳng định rằng, Tehran sẽ không cho phép các quốc gia khác can thiệp vào vấn đề nội bộ của mình.
Quan chức ngoại giao Iran nêu rõ quan điểm và lập trường của nước này đã được thể hiện trong các cuộc đàm phán hạt nhân và Tehran sẽ tiếp tục theo đuổi con đường ngoại giao như trước đây. Nước Cộng hòa Hồi giáo sẵn sàng đàm phán song phương với tất cả các bên để các cuộc đàm phán đạt được kết quả.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran cũng nhấn mạnh Tehran kiên quyết chống lại mọi nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt mới, với mục đích gây sức ép để nước này phải nhượng bộ và thỏa hiệp. Ông nhấn mạnh, Iran sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp.
Thỏa thuận hạt nhân Iran, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Iran và các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga) cùng Đức ký kết vào tháng 7/2015, theo đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt.
Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận và tái áp đặt trừng phạt kinh tế, khiến Iran cũng giảm các cam kết của nước này trong thỏa thuận. Các bên đang nỗ lực đàm phán nhằm khôi phục JCPOA.