Ngày 12/8, Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Bahlil Lahadalia cho rằng, người dân nước này cần chuẩn bị cho đợt tăng giá nhiên liệu có thể xảy ra, trong bối cảnh chính phủ tìm cách kiểm soát các khoản trợ cấp năng lượng đang gia tăng khi giá dầu thô toàn cầu luôn ở mức cao trong thời gian qua.
Indonesia đã tăng 3 lần ngân sách trợ cấp năng lượng trong năm nay lên 502 nghìn tỷ rupiah (34,22 tỷ USD) nhằm hạn chế giá một số nhiên liệu và giá điện tăng mạnh, đồng thời cũng nhằm kiểm soát lạm phát.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính Indonesia cho rằng, chính sách này có thể là chưa đủ, vì gần như tất cả hạn ngạch nhiên liệu được trợ cấp đã được sử dụng.
Bộ trưởng Lahadalia cho biết, nếu chính phủ phải tăng hạn ngạch xăng được trợ giá từ 23 tỷ lít lên 29 tỷ lít, và giả sử giá dầu mỏ tiếp tục tăng, đồng rupiah suy yếu, dự luật trợ cấp có thể lên tới 600 nghìn tỷ rupiah.
Do vậy, ông Bahlil cho rằng, người dân Indonesia cần sẵn sàng cho trường hợp giá nhiên liệu tăng cao.
Ông cũng lưu ý, việc chi 25% ngân sách của chính phủ cho các khoản trợ cấp là giải pháp không phù hợp.
Theo ông, chính phủ đang chịu gánh nặng lớn và có thể đây là thời điểm để các ban ngành tìm cách bảo đảm khả năng tài chính của đất nước.
Trước đó 1 ngày, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, bà đã yêu cầu công ty năng lượng nhà nước Pertamina hạn chế bán nhiên liệu được trợ cấp.
Giới chuyên gia kinh tế đã chỉ trích quyết định tăng trợ cấp của chính phủ trong năm nay, cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án kinh tế lớn.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự chênh lệch về giá ngày càng lớn giữa nhiên liệu được trợ cấp và không được trợ cấp đã dẫn tới sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng trong nước và làm gia tăng tình trạng buôn lậu sang các nước láng giềng.