Indonesia cấm các nguyên liệu siro ho liên quan trẻ tử vong tại Gambia

Cơ quan chức năng Indonesia điều tra khả năng các thành phần diethylene glycol và ethylene glycol trong siro ho tạo ra độc tố trong các nguyên liệu khác được sử dụng làm dung môi trong loại thuốc này.
0:00 / 0:00
0:00

Indonesia ngày 15/10 đã cấm sử dụng các thành phần trong siro ho được cho là liên quan 70 trường hợp trẻ em tử vong ở Gambia, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang tiến hành điều tra nguyên nhân tổn thương thận cấp khiến hơn 20 trẻ ở thủ đô Jakarta tử vong từ đầu năm tới nay.

Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm quốc gia Indonesia (BPOM) thông báo, đang điều tra khả năng các thành phần diethylene glycol và ethylene glycol trong siro ho tạo ra độc tố trong các nguyên liệu khác được sử dụng làm dung môi trong loại thuốc này.

Trong 1 tuyên bố, BPOM nêu rõ: "Để bảo vệ người dân, BPOM đã đề ra quy định khi đăng ký thuốc, theo đó mọi sản phẩm siro thuốc sử dụng cho trẻ em và người trưởng thành không được phép sử dụng các thành phần diethylene glycol và ethylene glycol".

BPOM cho biết 4 loại siro liên quan các trường hợp trẻ tử vong ở Gambia không được đăng ký tại Indonesia.

Ngày 11/10 vừa qua, cảnh sát Gambia công bố 1 báo cáo điều tra sơ bộ cho rằng, 69 trẻ tử vong do tổn thương thận cấp tại nước này liên quan đến 4 loại siro trị ho được sản xuất tại Ấn Độ và nhập khẩu qua 1 công ty dược phẩm có trụ sở tại Mỹ.

Cả Ấn Độ và Gambia đều đang điều tra các trường hợp trẻ tử vong nói trên.

Trước đó, WHO đã thông báo 4 sản phẩm siro trị ho và cảm lạnh của công ty dược phẩm Maiden của Ấn Độ, gồm Promethazine Oral Solution, Kofexmalin Baby Cough Syrup, Makoff Baby Cough Syrup và Magrip N Cold Syrup chứa một lượng lớn diethylene glycol và ethylene glycol.

Các chất này có thể khiến người dùng gặp phải các triệu chứng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, đau đầu... thậm chí dẫn tới tử vong.

WHO dẫn thông tin từ Cơ quan Kiểm soát chất lượng dược phẩm Ấn Độ cho biết, công ty Maiden chỉ mới cung cấp các sản phẩm trên đến Gambia, song không loại trừ khả năng những loại siro này được cung cấp đến các nước khác theo đường không chính thức. WHO khuyến cáo các nước rà soát và cấm lưu hành những sản phẩm này.