Bình luận quốc tế

Hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran

Iran và Mỹ bắt đầu tiến trình đàm phán ở Doha (Qatar) với sự trung gian của Liên minh châu Âu (EU). Dù chỉ là đàm phán gián tiếp nhưng nỗ lực của cả Tehran và Washington cũng thắp lên hy vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân của Iran.

Toàn cảnh vòng đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 3/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh vòng đàm phán về khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 3/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran và Mỹ đã có mặt ở Doha và ngay lập tức có các cuộc tiếp xúc với phía EU trung gian. Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Bagheri gặp ông Enrique Mora, Điều phối viên EU về tiến trình đàm phán, người đóng vai trò con thoi chuyển thông điệp, lập trường cùng các điều kiện của Tehran cho Washington và ngược lại. Trong khi đó, Đặc phái viên Mỹ về Iran Rob Malley (R.Ma-li) cũng có cuộc tiếp xúc Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà nhằm thảo luận các nỗ lực ngoại giao chung để tìm giải pháp khôi phục thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Điều phối viên liên lạc chiến lược thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, ông John Kirby nhấn mạnh, Washington tin tưởng khả năng khôi phục JCPOA, cũng như đề cao tầm quan trọng của thỏa thuận hạt nhân lịch sử này. Tuyên bố của ông Kirby đưa ra trong bối cảnh Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell vừa có chuyến thăm quan trọng tới Iran. Mục đích chuyến thăm Tehran lần đầu của ông Borrell kể từ tháng 2/2020 không gì khác ngoài nỗ lực thúc đẩy các cuộc đàm phán khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran. Đáp lại, Tehran cũng tuyên bố sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với các cường quốc về thỏa thuận JCPOA, đồng thời bày tỏ hy vọng tìm được hướng giải quyết các bất đồng còn tồn tại thông qua đàm phán.

Nỗ lực dàn xếp bất đồng thông qua đàm phán giữa Iran và Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu  bày tỏ hy vọng các bên sẽ thực hiện những bước đi cần thiết để JCPOA được khôi phục vì điều này có vai trò quan trọng đối với an ninh và ổn định ở khu vực. Song Ankara cũng bày tỏ lập trường ủng hộ Iran khi kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, lập trường và tuyên bố gần đây của các bên liên quan cho thấy cuộc đàm phán giữa Iran và Mỹ sẽ khó có thể “xuôi chèo mát mái” và không hề dễ dàng trên chặng đường cán đích. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Saeed Khatibzadeh cho biết, nội dung đàm phán không liên quan vấn đề hạt nhân, mà tập trung vào những bất đồng hiện nay và việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt do Washington áp đặt chống Tehran. Trong khi đó, Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia tối cao của Iran, ông Ali Shamkhani lại đưa ra tuyên bố cứng rắn rằng, Tehran sẽ tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân cho đến khi phương Tây thay đổi cách hành xử và áp đặt mà quốc gia Hồi giáo coi là “bất công và phi lý”.

Trong khi phía Iran đưa ra điều kiện tiên quyết là dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, Mỹ lại giữ nguyên quan điểm rằng, Tehran phải tuân thủ mọi quy định và nghĩa vụ trong thỏa thuận JCPOA trước khi Washington xem xét dỡ bỏ trừng phạt. Cộng đồng quốc tế quan ngại việc Iran và Mỹ vẫn tiếp tục cứng nhắc trong đàm phán, chưa thật sự thể hiện thái độ xích lại gần nhau sẽ khiến cuộc đàm phán đi vào vết xe đổ giống như những lần trước.

Năm 2015, Iran ký JCPOA với Nhóm P5+1 (gồm năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức). Tuy nhiên, tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đã rút Washington khỏi thỏa thuận này và tái áp đặt các lệnh trừng phạt chống Iran, dẫn đến việc Tehran dần từ bỏ một số cam kết trong thỏa thuận. Kể từ tháng 4/2021 đến nay, Iran và các bên còn lại tham gia ký kết JCPOA đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trực tiếp tại thủ đô Vienna (Áo) nhằm hồi sinh thỏa thuận này. Mỹ tham gia đàm phán với tư cách gián tiếp thông qua EU.

Trong vòng đàm phán gần đây nhất tại Vienna (Áo) vào tháng 3/2022, Iran đã đưa ra một số điều kiện, trong đó có yêu cầu Mỹ đưa Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, Washington thẳng thừng từ chối các yêu cầu của Tehran và đàm phán lại rơi vào đình trệ.

Dù tỏ ra thận trọng nhưng các bên tham gia đàm phán, nhất là phía Mỹ đang đẩy mạnh và gấp rút các cuộc tiếp xúc với Iran và EU. Bởi, kết quả tích cực, nếu đạt được, cho vấn đề vốn gai góc và kéo dài này sẽ là món quà ý nghĩa cho chuyến thăm đầu tiên tới khu vực Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden (G.Bai-đơn) dự kiến diễn ra sau hai tuần ■

Bình Minh