Huyện Duyên Hải phát triển nghề nuôi nghêu

Thu hoạch nghêu trên vùng bãi bồi ven biển huyện Duyên Hải.
Thu hoạch nghêu trên vùng bãi bồi ven biển huyện Duyên Hải.

Tỉnh Trà Vinh có 65 km bờ biển. Hằng năm lượng phù sa từ sông Tiền Giang, sông Hậu Giang đổ về và của Biển Ðông bồi lắng tạo thành một vùng bãi bồi rộng lớn ven biển thích hợp cho các loài thủy sản, nhất là con nghêu. Riêng huyện Duyên Hải đã có diện tích bãi bồi lên đến 6.600 ha (trong 55 km bờ biển của huyện), trong đó có 2.960 ha có khả năng nuôi nghêu. Cách nay 10 năm, nhân dân các xã ven biển đã thí điểm nuôi nghêu ở vùng bãi bồi này. Nghêu phát triển tốt, nhưng không hiệu quả về kinh tế, do bị thất thoát và không chủ động được thị trường tiêu thụ.

Năm 2004, huyện Duyên Hải vận động được gần 800 thành viên để thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi nghêu ở các xã ven biển.  Huyện đã huy động vốn từ các nguồn Chương trình 120, tổ chức Oxfam - Anh và các thành viên đóng góp được hơn 7,6 tỷ đồng để tiến hành nuôi nghêu trên 400 ha bãi bồi thuộc các xã: Hiệp Thạnh, Ðông Hải và Trường Long Hòa. Sau vụ nghêu này toàn huyện đã thu hoạch được gần 1.000 tấn sản phẩm, trị giá hơn 12,6 tỷ đồng, thu lợi hơn 6 tỷ đồng. Chỉ sau một vụ nuôi nghêu thắng lợi, vụ nuôi nghêu năm 2005 - 2006 diện tích nuôi nghêu ở huyện tăng thêm 250 ha, và có thêm hơn 200 thành viên mới tham gia các tổ nuôi nghêu. Tổng vốn đầu tư cho vụ này tăng gần gấp hai lần và tổng lợi nhuận thu về gần 10 tỷ đồng. Vụ nuôi nghêu năm nay, toàn huyện đã có gần 2.200 thành viên tham gia nuôi trên diện tích 1.660 ha với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 42,5 tỷ đồng. Hiện nay, một số vùng đang thu hoạch nghêu, ước tính sơ bộ lợi nhuận từ vụ nghêu năm nay hơn 30 tỷ đồng.

Qua ba vụ nuôi cho thấy con nghêu rất thích nghi với vùng bãi bồi ven biển huyện Duyên Hải. Nuôi nghêu đạt được hiệu quả kinh tế khá cao, đồng thời tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động. Ðể khai thác hết vùng bãi bồi có khả năng nuôi nghêu và tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, Huyện ủy Duyên Hải vừa ra Nghị quyết về phát triển nghề nuôi nghêu trên địa bàn huyện đến năm 2010. Theo đó, phấn đấu đến năm 2010 đưa toàn bộ diện tích bãi bồi có khả năng nuôi nghêu (2.960 ha) vào nuôi nghêu, và tăng lợi nhuận trên vốn đầu tư lên tỷ lệ 1/1. Trong các giải pháp để phát triển nghề nuôi nghêu bền vững, huyện chú trọng việc củng cố các tổ hợp tác và hợp tác xã nuôi nghêu vì công tác quản lý là khâu quyết định đến hiệu quả, lợi nhuận thu về. Việc quy hoạch sử dụng vùng bãi bồi, giao đất cho các tổ hợp tác, hợp tác xã quản lý khai thác cần được tiến hành nhanh, tạo sự yên tâm cho người nuôi nghêu, thu hút đầu tư vốn. Khi tăng diện tích nuôi, thì nhu cầu con giống cho mỗi vụ nuôi là rất lớn, điều đó khó tránh khỏi sự bị động về giá cả và chất lượng con giống. Việc tổ chức sản xuất, ương dưỡng con giống tại địa phương cần phải được triển khai sớm. Theo kế hoạch phát triển nghề nuôi nghêu này, đến năm 2010, sản lượng nghêu thu được hơn 15.000 tấn, vấn đề chế biến nghêu cũng cần được đặt ra để chủ động chế biến sản phẩm, đồng thời tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương.