Tuy nhiên, sau một hơn một tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” và kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về thực hiện Nghị quyết số 128 của Chính phủ, trong khi nhiều ngành nghề ở Đắk Lắk đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 thì ngành nông nghiệp đã từng bước phục hồi, thích ứng với trạng thái bình thường mới.
Niềm vui được mùa, được giá
Tây Nguyên hiện đang bước vào thu hoạch cà-phê niên vụ 2021-2022. Trong những ngày này, về các vùng trọng điểm trồng cà-phê của tỉnh Đắk Lắk như: huyện Cư M’gar, Cư Kuin, Ea H’leo, Krông Búk… các hoạt động thu hoạch, chế biến cà-phê, kinh doanh của người dân địa phương đã trở lại bình thường như những năm trước đây. Có khác chăng, người dân ra đường cũng như đi thu hoạch cà-phê đều phải đeo khẩu trang để phòng, chống dịch Covid-19.
Trên đường đưa nhân công đi thu hoạch cà-phê, ông Trần Văn Quân ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin chia sẻ: “Gia đình tôi làm được 1,5 ha cà-phê đang trong thời kỳ kinh doanh. Chưa năm nào sản xuất nông nghiệp lại khó khăn như năm nay. Vào thời điểm mùa mưa, dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến giá vật tư như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xăng, dầu… đều tăng cao, ảnh hưởng đến suất đầu tư của người nông dân. Đến vụ thu hoạch lại thiếu hụt nguồn nhân công, khiến giá nhân công tăng cao. Rất may, năm nay có nguồn lao động lớn ở các tỉnh phía nam trở về nên giảm áp lực về nhân công thu hoạch. Hơn nữa, bước vào vụ thu hoạch năm nay, cà phê được mùa, giá cà-phê nhân xô cũng đã tăng lên 41 triệu đồng/tấn, giá tiêu đạt hơn 81,5 triệu đồng/tấn… Đây là mức giá cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Trong tình hình kinh tế khó khăn do dịch bệnh như hiện nay, với giá này người nông dân chúng tôi vui rồi”.
Vòng sang Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến, xã Quảng Hiệp, huyện Cư M’gar, mọi hoạt động của hợp tác xã đã trở lại bình thường. Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến Phạm Công Phi cho biết: Hợp tác xã hiện có 155 xã viên với diện tích sản xuất 230 ha cà-phê trồng xen hồ tiêu. Ngoài ra, hợp tác xã còn tổ chức các dịch vụ như: cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, gạo, thu mua nông sản; chế biến cà-phê bột... Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nay các xã viên đã khôi phục sản xuất và thuê nhân công thu hoạch cà-phê. Còn hợp tác xã đã chuẩn bị đầy đủ máy móc, kho bãi, nhân viên để thu mua, chế biến cà-phê, nông sản cho xã viên và người dân.
Trong những ngày qua, lãnh đạo hợp tác xã tất bật liên hệ với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lớn trên địa bàn tỉnh đầu tư kinh phí thu mua toàn bộ sản lượng cà-phê sản xuất hữu cơ của xã viên để chế biến, xuất khẩu với giá cao hơn giá thị trường, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Chi cục Phó Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Khắc Hiển cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài khiến giá vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp năm nay tăng cao như: giá phân Kali tăng 17%, UREA tăng 33%, DAP tăng 52%; xăng, dầu tăng 33%... đã làm tăng giá thành sản xuất so với năm 2020. Nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh, năm 2021 ngành nông nghiệp của tỉnh vẫn hoàn thành và vượt kế hoạch đề ra với tổng diện tích sản xuất 638.900 ha, trong đó diện tích cây hàng năm các loại khoảng 328.824 ha, đạt 105,36% và diện tích cây lâu năm 343.284 ha đạt 105,04%, tăng 754 ha so với năm 2020. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2021 của tỉnh ước đạt khoảng 1.251.770 tấn, đạt 100,25% kế hoạch và tăng 21.354 tấn so với năm 2020.
Phát triển nông nghiệp thích ứng với phòng, chống dịch
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp và dự báo còn kéo dài. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp thích ứng với phòng, chống dịch là tất yếu.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Đỗ Xuân Dũng cho biết: Trên cơ sở kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai kế hoạch sản xuất, xây dựng khung lịch thời vụ đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ kế hoạch sản xuất; chuẩn bị khâu giống, vật tư nông nghiệp đầu vào, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) để duy trì và sản xuất bền vững, bảo đảm nguồn cung lương thực vừa thích ứng linh hoạt phòng, chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, thu hoạch theo đúng tiến độ.
Tổ chức sơ kết, tổng kết các hoạt động về sản xuất nông nghiệp, xây dựng kế hoạch sát với điều kiện thực tế. Tăng cường sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết, củng cố các Hợp tác xã nông nghiêp sản xuất có hiệu quả. Quản lý tốt vật tư nông nghiệp trên địa bàn các huyện để bảo đảm đầu vào cho sản xuất; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý các vi phạm liên quan đến phân bón, giống và thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm lòng tin cho người sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương chủ động kết nối với các doanh nghiệp có uy tín cung cấp vật tư đầu vào và các doanh nghiệp thu mua nông sản để hỗ trợ hiệu quả cho người nông dân bảo đảm thích ứng linh hoạt trong điều kiện vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid 19 an toàn, hiệu quả, bảo đảm thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch của ngành nông nghiệp và mục tiêu chung của tỉnh về phát triển kinh tế trong điều kiện chống dịch.
Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk về đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với sản xuất và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị liên quan chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tiêu thụ bơ, sầu riêng trong tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh niên vụ 2021; hỗ trợ quảng bá, tổ chức hội nghị trực tuyến, giới thiệu, kết nối với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp phân phối lớn để thúc đẩy kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh trên môi trường số, các sàn thương mại điện tử như: Post mard, Võ sò… hỗ trợ công tác thông tin truyền thông, giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ nông sản cho tỉnh.
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị chỉ đạo việc thu hoạch cà-phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk trong điều kiện dịch bệnh Covid-19. Xây dựng phương án thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ cụ thể trong điều kiện dịch bệnh. Sẵn sàng huy động lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển nông sản giúp nông dân, bảo đảm nông sản được thu hoạch kịp thời, không ứ đọng.
Thành lập các Tổ công tác hỗ trợ thúc đẩy sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất, thu hoạch, vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến nông-lâm-thủy sản, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm,… vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân kể cả trước mắt và lâu dài.
Đề nghị ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, giết mổ và bảo quản, tiêu thụ nông sản… để hoạt động sản xuất nông nghiệp thực sự đi đầu trong việc thích nghi với trạng thái bình thường mới.