Để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2024 đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND huyện Cư M’gar đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã rà soát và chủ động có các giải pháp để thực hiện các tiêu chí. Một số tiêu chí có bước phát triển quan trọng, như nâng cao thu nhập cho nhân dân, giảm nghèo bền vững, phát triển sản xuất gắn với liên kết chuỗi, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh...
Nhận thức của nhân dân được nâng lên và đã có những đóng góp tích cực xây dựng nông thôn mới của từng xã. Diện mạo từng thôn, buôn của các xã không ngừng thay đổi, ý thức hơn trong công tác bảo vệ môi trường; tích cực tham gia đóng góp các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, hệ thống chính trị không ngừng được củng cố, dân chủ được phát huy.
Cùng với kết quả khả quan thực hiện các nội dung thành phần của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, việc triển khai thực hiện các Chương trình chuyên đề cũng có nhiều chuyển biến tích cực.
Về Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến tháng 12/2024 trên địa bàn huyện có 43 sản phẩm OCOP, trong đó 37 sản phẩm đạt 3 sao; 8 sản phẩm đạt 4 sao. Các chủ thể đã quan tâm xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, đặc biệt sản phẩm cà-phê là sản phẩm đặc trưng của huyện đã tham gia nhiều hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh được đánh giá cao và có tiềm năng phát triển tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu ra một số nước trên thế giới. Tuy nhiên, một số cơ sở sản xuất kinh doanh còn gặp khó về đầu ra tiêu thụ, thiết kế website, hỗ trợ máy móc thiết bị; nhiều sản phẩm sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, một số sản phẩm chủ lực của địa phương chưa xây dựng được thương hiệu; sản phẩm tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, giá trị sản phẩm chưa cao.
Việc lập hồ sơ đăng ký tham gia đòi hỏi cung cấp nhiều thông tin, hồ sơ minh chứng và đa số các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã, còn hộ gia đình chưa hiểu hết ý nghĩa khi tham gia chương trình OCOP.
Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Cư M’gar. |
Chương trình Phát triển du lịch nông thôn thời gian qua đã phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hoá và môi trường sinh thái của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại, dịch vụ; tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn; thúc đẩy liên kết, xây dựng và phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiệu quả.
Tín hiệu khả quan là một số mô hình đi vào hoạt động bước đầu tạo ra giá trị mới trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm từ nông nghiệp chưa thu hút được nhiều sự quan tâm của người dân, hạ tầng giao thông ở một số các điểm có sản phẩm nông nghiệp, nông thôn chưa bảo đảm cho phương tiện vận chuyển khách du lịch của các công ty lữ hành tiếp cận, chưa kết nối sản phẩm nông nghiệp với khách du lịch, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành vẫn còn thụ động trong việc quảng bá xúc tiến du lịch, chưa quan tâm nhiều đến việc xây dựng các chương trình du lịch nội địa và kết nối tour tuyến với các huyện trong tỉnh.
Thực hiện chương trình chuyển đổi số trong nông thôn mới, huyện Cư M’gar quan tâm ứng dụng công nghệ thông tin thể hiện qua việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành kịp thời, chủ động cân đối kinh phí để nâng cấp và trang bị một số thiết bị công nghệ thông tin; cơ sở hạ tầng được nâng cấp, tăng cường tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, nhận thức về vị trí, vai trò của ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chưa thật sự đầy đủ, nguồn nhân lực đảm nhận phối hợp triển khai và tổ chức quản lý vận hành các hệ thống công nghệ thông tin còn thiếu, đặc biệt ở cấp xã.
Kết quả triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025 cho thấy, công tác bảo vệ môi trường đã được các cấp ủy và chính quyền quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện với nhiều nhiệm vụ giải pháp và đã đạt được những kết quả quan trọng, nhằm phòng ngừa và hạn chế sự ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện môi trường sống của người dân, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Công tác bảo vệ môi trường chưa tạo được phong trào sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân; các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vẫn còn diễn ra; việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi trên địa bàn còn chưa nghiêm túc.
Nhìn chung, bên cạnh thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Cư M’gar vẫn còn khó khăn, hạn chế. Tại một số xã, công tác tuyên truyền chưa thường xuyên liên tục, chưa thật sự sâu rộng, tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo kế hoạch triển khai còn chậm, triển khai thực hiện tiêu chí môi trường các xã chưa thường xuyên, kết quả đạt được chưa cao. Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu mới, một số tiêu chí tăng cả về chất và lượng nên việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới hết sức khó khăn; ngoài ra, các xã phải đạt tỷ lệ 100% chỉ tiêu tiêu chí mới được đánh giá là đạt chuẩn nông thôn mới theo quy định nên rất khó thực hiện…
Người dân làm đường xây dựng nông thôn mới. |
Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar Nguyễn Công Văn cho biết, trong năm 2025, huyện xác định mục tiêu: đối với xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao tập trung nguồn lực để xây dựng các tiêu chí chưa đạt; thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Đối với các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới: tập trung triển khai nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhất là các tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng và an ninh. Mục tiêu cụ thể là phấn đấu xây dựng xã Ea Kuêh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2025; xã Quảng Tiến đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có từ 7-10 sản phẩm đạt 3 sao cấp huyện; 1-2 sản phẩm đạt 4 sao.
Để đạt được mục tiêu nói trên, huyện Cư M’gar tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu những cách làm sáng tạo, chú trọng tuyên truyền ở cấp thôn buôn, hộ gia đình; đẩy mạnh công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Cùng với đó, tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí theo Quyết định 1959 của UBND tỉnh Đắk Lắk, ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025 có giải pháp cụ thể thực hiện. Tiếp tục vận động nhân dân tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, chỉnh trang, cải tạo môi trường nông thôn. Tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất gắn với đẩy mạnh phát triển các sản phẩm nông nghiệp, dịch vụ du lịch nông thôn dựa trên thế mạnh của huyện theo hướng gia tăng giá trị, góp phần tái cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống người dân; phát huy tối đa vai trò chủ thể sản xuất, tính chủ động, sáng tạo của người dân nhằm phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện…