Theo báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, trong giai đoạn 2010-2020, toàn tỉnh đã huy động được hơn 42.202 tỷ đồng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó vốn Nhà nước bố trí trực tiếp cho chương trình hơn 3.082 tỷ đồng; vốn ngân sách Trung ương hơn 1.396 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương hơn 1.685 tỷ đồng; vốn lồng ghép các chương trình, dự án hơn 18.244 tỷ đồng; vốn tín dụng hơn 18.023 tỷ đồng và vốn do nhân dân đóng góp hơn 3.031 tỷ đồng…
Từ các nguồn trên, các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện các nội dung Chương trình mục tiêu nông thôn mới đề ra một cách sáng tạo, thiết thực, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình. Nhờ đó, đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 66/152 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 43,42% số xã; bình quân mỗi xã đạt 15,52 tiêu chí; có 124/152 xã cơ bản đạt tiêu chí cơ sở hạ tầng, bằng 81,7% và 152 xã đạt tiêu chí về y tế, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 03 của Tỉnh ủy đề ra…
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Đắk Lắk có 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới, một xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 2.382/2.888 tiêu chí, bằng 82,47%; bình quân đạt 15,67 tiêu chí/xã; có 46 sản phẩm OCOP, trong đó có 7 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 39 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Thu nhập bình quân đầu người của tỉnh đạt 54,55 triệu đồng/năm, tăng 1,67 lần so với nằm 2015; số hộ nghèo còn 39.250 hộ, chiếm 7,91% tổng số hộ trên địa bàn; giải quyết việc làm cho 271.120 lao động; trong đó có 174.100 lao động nông thôn…
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế. Đó là, trước khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều ở điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung toàn quốc; địa bàn của tỉnh rộng, nhiều xã ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ở các huyện nghèo, huyện biên giới chỉ đạt 1-2 tiêu chí. Nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu và một số địa phương còn trông chờ vào nguồn lực Nhà nước. Chất lượng xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương chưa cao, thiếu bền vững.
Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch chưa đồng bộ; cơ cấu kinh tế và lao động nông thôn chuyển dịch còn chậm; chênh lệch khoảng cách giữa các xã khu vực I, II, III còn lớn; việc lên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản cho nông dân thiếu bền vững; hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, tổ hợp tác chưa cao.
Việc xử lý chất thải sinh hoạt chưa được quan tâm đúng mức. Số lượng các sản phẩm OCOP chưa nhiều so với tiềm năng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn những yếu tố bất thường, khó lường cùng với biến động của thị trường đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân nông thôn trên địa bàn…
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy, tại hội nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, tỉnh Đắk Lắk đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 toàn tình có 100 xã, đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm trên 65% số xã; có 4/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có 1-2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thu nhập bình quân dân nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; có 200 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận từ 3 sao trở lên…
Đến năm 2030 có 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 300 sản phẩm OCOP được cấp chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên…
Nhân dịp này, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã tặng Bằng khen cho 11 tập thể, 24 cá nhân và 3 hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 trên địa bàn tỉnh.