Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng về an ninh, chính trị, kinh tế, văn hóa-xã hội đối với Tây Nguyên và cả nước. Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo các Chương trình Mục tiêu quốc gia của tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quan trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ công bố nhãn hiệu sầu riêng huyện Cư M'gar.
Lễ công bố nhãn hiệu sầu riêng huyện Cư M'gar.

Đối với cấp huyện và xã đều có Nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động về xây dựng nông thôn mới và nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào Nghị quyết về phát triển kinh tế-xã hội hằng năm, với mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương. Các địa phương đã kịp thời ban hành cơ chế, chính sách riêng để đẩy nhanh tiến độ và thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cư M'gar Vũ Hồng Nhật chia sẻ, huyện tập trung huy động các nguồn lực xã hội và vốn ngân sách thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhân dân tích cực hưởng ứng, chung tay xây dựng nông thôn mới, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, diện mạo huyện nhà khởi sắc, kinh tế-xã hội phát triển, đời sống người dân ngày một nâng cao.

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 1
Nhiều hộ dân huyện Cư M'gar đổi đời nhờ trồng sầu riêng.

Công tác thông tin tuyên truyền tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, đẩy mạnh, thực hiện qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa-nô, khẩu hiệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, đăng tin bài trên Trang thông tin điện tử Chương trình nông thôn mới của tỉnh... Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tích cực tổ chức quán triệt về mục đích, nội dung của Chương trình; các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể tích cực vận động các thành viên, hội viên tham gia thực hiện chương trình, gắn với nâng cao chất lượng các cuộc vận động như “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”, “Nông dân Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Dân vận khéo”, “Tuổi trẻ Đắk Lắk chung tay xây dựng nông thôn mới”, các mô hình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Giảm hộ nghèo bền vững”…

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 2
Nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả được triển khai trong xây dựng nông thôn mới.

Phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được hưởng ứng và triển khai mạnh mẽ trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Nhận thức của cán bộ và người dân về nông thôn mới có nhiều chuyển biến, đại bộ phận nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia góp tiền, nhân công, giải phóng mặt bằng cùng với hỗ trợ của Nhà nước để xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn khang trang, sạch đẹp và văn minh.

Lãnh đạo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk cho biết đã tăng cường đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, chuyển đổi nhận thức, tư duy cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt là cán bộ cơ sở. Hiệu quả triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, đến đầu năm 2024 toàn tỉnh có 216 sản phẩm OCOP.

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 3
Trồng cây cà-phê mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Sở Khoa học và Công nghệ đã nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học và công nghệ, kết quả đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ cấp tỉnh về lĩnh vực hỗ trợ nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Nổi bật là xây dựng mô hình mẫu OCOP dựa vào cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ứng dụng và chuyển giao một số quy trình công nghệ trong chăn nuôi bò, lai tạo đàn bò địa phương, tập huấn nâng cao kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho khuyến nông viên; cải tạo đàn dê, và nuôi dê thương phẩm; áp dụng một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng sinh sản của đàn bò thịt; ứng dụng công nghệ mới trong nuôi thâm canh cá rô phi; phương pháp sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá thát lát, cá lăng đuôi đỏ; cá hồi vân, cá tầm và ứng dụng nuôi thương phẩm cá chạch bùn cho sinh sản nhân tạo; xây dựng cơ sở nhân giống, nuôi trồng và chế biến các loại nấm ăn và nấm dược liệu… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương.

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 4
Người dân tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của người dân, hộ gia đình về tiêu thụ sản phẩm trên không gian số, sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh, toàn quốc, bước đầu đóng góp phát triển kinh tế của tỉnh. Mạng lưới viễn thông đã được đầu tư, phát triển rộng khắp đến các khu vực trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, các xã phấn đấu đạt chuẩn giai đoạn 2021-2025 là những xã có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hơn, cần hỗ trợ đầu tư nhiều hơn. Tỉnh Đắk Lắk có 54 xã đặc biệt khó khăn. Để hoàn thành mục tiêu của Chương trình cần hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn nông thôn mới nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 bao gồm 19 tiêu chí với 57 chỉ tiêu (tăng 8 chỉ tiêu so với giai đoạn 2016-2020), trong đó có nhiều chỉ tiêu mới, một số chỉ tiêu tăng cả về chất và lượng.

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 6
Thành quả xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao đời sống người dân.

Đắk Lắk là tỉnh miền núi, diện tích rộng, dân cư ở phân tán, thưa thớt, cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là tại các xã khu vực III còn rất khó khăn, do đó để thực hiện mục tiêu xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đến hết năm 2025 không còn xã dưới 15 tiêu chí theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ cần nguồn lực đầu tư rất lớn.

Qua thực tiễn triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới những năm qua cho thấy, muốn đạt hiệu quả cao phải có sự tập trung, vào cuộc quyết liệt, thống nhất cao, quán triệt sâu sắc, phân công trách nhiệm rõ ràng của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong tổ chức thực hiện; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động quần chúng hiểu, đồng thuận triển khai; quan tâm bố trí nguồn lực kịp thời để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của các chương trình mục tiêu quốc gia. Cùng với đó xây dựng kế hoạch, giải pháp cụ thể trên địa bàn để tổ chức thực hiện; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cấp, các ngành; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo. Tập trung chỉ đạo, đổi mới tư duy trong phát triển sản xuất để nâng cao năng suất, giá trị gia tăng, nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân, tạo niềm tin của người dân đối với chương trình, là cơ sở huy động nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, góp phần phát triển kinh tế-xã hội bền vững, bảo đảm thành công các mục tiêu của chương trình.

Xây dựng nông thôn mới ở Đắk Lắk ảnh 7
Làm đường xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 của tỉnh Đắk Lắk: có 4 đơn vị cấp huyện đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng nông thôn mới “có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc”, cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục. Tỉnh Đắk Lắk tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, hiệu quả thực hiện Chương trình, nâng cao chất lượng phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn, bền vững hơn, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân.