Báo cáo mới đây của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chỉ ra rằng, sau khi giảm mạnh vào các năm 2020 và 2021 do đại dịch Covid-19, Chỉ số phát triển con người (HDI) toàn cầu năm 2023 đạt mức cao kỷ lục, song tiến độ rất không đồng đều. Trong khi các nước giàu đạt mức phát triển con người ấn tượng, một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Theo báo cáo, Thụy Sĩ, Na Uy và Iceland vẫn là những nước đứng đầu bảng xếp hạng HDI. Các nước châu Phi, gồm Somalia, Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi nằm ở những vị trí cuối. Một số nước như Sudan và Afghanistan gặp nhiều khó khăn khi đại dịch, khủng hoảng kinh tế, tài chính và xung đột cản trở tiến trình phát triển.
Người đứng đầu UNDP Achim Steiner nhấn mạnh, tiến trình phát triển con người toàn cầu đã phục hồi sau hai năm đảo ngược do đại dịch và các hậu quả liên quan, song, chênh lệch giữa các nước giàu và nghèo ngày một tăng. Theo ông Steiner, thế giới đang giàu có hơn bao giờ hết trong lịch sử loài người, ít nhất về mặt tài chính, tuy nhiên, số người nghèo, người đói lại tăng so 10 năm trước. Xung đột gia tăng đẩy hàng chục triệu người phải sống trong cảnh tị nạn. Báo cáo của UNDP cũng nhấn mạnh thực trạng “những thành phần nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đang bị bỏ lại phía sau”, đe dọa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” của UNDP vào năm 2030.
Trong khi các nước giàu đạt mức phát triển con người ấn tượng, một nửa số nước nghèo nhất thế giới vẫn ở dưới mức trước đại dịch.
Cảnh báo khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng gây nguy hiểm cho một thế giới ngày càng chia rẽ, báo cáo của UNDP còn nêu rõ những thiếu sót trong hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức nói trên. Lãnh đạo UNDP kêu gọi các nước cùng nhau hành động, tăng cường chi tiêu để xử lý những vấn đề gây rủi ro lớn trong thế kỷ 21, như bất bình đẳng, biến đổi khí hậu, tội phạm mạng hay những đại dịch tiếp theo, thay vì dành quá nhiều ngân sách cho quốc phòng.
Trong bối cảnh các cuộc khủng hoảng toàn cầu vẫn diễn biến phức tạp, tiến trình đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững có dấu hiệu chững lại, Liên hợp quốc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết hỗ trợ tài chính để cứu vãn các SDG. Báo cáo tài chính cho Phát triển bền vững năm 2024 nêu rõ mức thiếu hụt tài chính cho phát triển hằng năm lên tới 4.200 tỷ USD, tăng mạnh so mức 2.500 tỷ USD trước đại dịch Covid-19. Theo báo cáo, tình trạng thiếu hụt tài chính trầm trọng hơn, do ảnh hưởng đại dịch, căng thẳng địa chính trị, thảm họa khí hậu và khủng hoảng chi phí sinh hoạt toàn cầu, từ đó cản trở tiến bộ về chăm sóc sức khỏe, giáo dục và các mục tiêu phát triển khác.
Khẳng định tầm quan trọng của các nguồn tài chính trong việc đạt các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Amina J. Mohammed nhấn mạnh: Thế giới cần hành động mạnh mẽ hơn nữa để huy động tài chính trên quy mô lớn nhằm bù đắp sự thiếu hụt. Báo cáo tài chính cho Phát triển bền vững năm 2024 cũng đề xuất thành lập một hệ thống tài chính quốc tế mạch lạc hơn và phản ứng nhanh hơn, nhằm ứng phó khủng hoảng và tăng cường đầu tư vào SDG. Theo ước tính của Liên hợp quốc, nếu không cải thiện, thế giới sẽ có gần 600 triệu người sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2030, trong đó hơn một nửa là phụ nữ.