Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, hội nghị nhằm ghi nhận và đánh giá việc đóng góp xây dựng trường học của các tổ chức và cá nhân góp sức chung tay kiên cố hóa trường học, đồng thời đưa việc huy động nguồn lực xã hội cho kiên cố hóa trường học từ chỗ tự phát sang có tổ chức và điều tiết, dựa trên cơ sở dữ liệu và nhu cầu tổng thể, có điều tiết và kết nối.
Thực tế thời gian vừa qua cho thấy, trong xã hội có rất nhiều tấm lòng vàng, nhiều cơ quan, tổ chức, nhiều cá nhân đã rất hăng hái quan tâm góp sức cho xây trường học và nhà công vụ. Khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, và hàng nghìn cá nhân đã tham gia đóng góp để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; trong 10 năm qua đã có 37.200 phòng học và nhà ở công vụ cho giáo viên được xây dựng từ nguồn xã hội hóa với số kinh phí ước tính khoảng trên dưới 30 nghìn tỷ đồng.
Thay mặt cho các nhà giáo và các em học sinh được thụ hưởng sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, được dạy và học trong những ngôi trường khang trang được dựng lên từ tình yêu thương, từ sự quan tâm, chia sẻ, tôi bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc tới những tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân hảo tâm xây dựng; đồng thời mong muốn các thầy, các cô và các em học sinh còn đang ở những trường tạm bợ và khó khăn sớm được nhận sự quan tâm từ các quý vị hảo tâm.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Thay mặt cho các nhà giáo và các em học sinh được thụ hưởng sự quan tâm từ cộng đồng xã hội, được dạy và học trong những ngôi trường khang trang được dựng lên từ tình yêu thương, từ sự quan tâm, chia sẻ, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ sự cảm tạ sâu sắc tới những tấm lòng vàng của các tập thể, tổ chức và cá nhân hảo tâm xây dựng; đồng thời mong muốn các thầy, các cô và các em học sinh còn đang ở những trường tạm bợ và khó khăn sớm được nhận sự quan tâm từ các quý vị hảo tâm.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo của mình, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng chương trình đầu tư công nhằm tới mục tiêu kiên cố hóa 100% trường học vào năm 2030, phát huy nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, từ các dự án và nhiệm vụ khác.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị. |
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết: Năm 2013, cả nước có 41.397 cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, với tổng số 553.181 phòng học; trong đó, chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố, đặc biệt, cấp học mầm non với tỷ lệ rất thấp chỉ đạt 47,7%. Tính đến năm 2023, hệ thống trường, lớp học đã có sự cải thiện đáng kể với 628.571 phòng học, trong đó 86,6% được kiên cố hóa, tăng hơn 20% so với năm 2013; trong đó, tỷ lệ kiên cố hóa ở cấp học mầm non đạt 83%, tiểu học đạt 83,2%, và THCS đạt 94,9%...
Kết quả đạt được là sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ từ nhà nước và sự chung tay từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thông qua công tác xã hội hóa. Đáng chú ý, công tác xã hội hóa đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, thời điểm tháng 7/2023 đạt tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia cấp học mầm non là 56,9%, tiểu học 62,8%, THCS đạt 72,3%, THPT đạt 49,6%, trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2%.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và lan tỏa phong trào xã hội hóa rộng khắp hơn nữa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm trong thời gian tới sẽ: Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên; đẩy mạnh công tác truyền thông về nâng cao nhận thức việc kiên cố hóa trường, lớp học; tăng cường quy hoạch mạng lưới trường học; khuyến khích mô hình hợp tác công tư (PPP) trong việc xây dựng trường học và nhà công vụ cho giáo viên; thiết lập cơ chế giám sát chặt chẽ việc huy động và sử dụng nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả.
Tại hội nghị, đại diện các địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cũng đã báo cáo, chia sẻ về kết quả triển khai, những kinh nghiệm hay cũng như những kiến nghị, đề xuất đối với công tác xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long ghi nhận, biểu dương những kết quả công tác xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2013-2023 mà ngành giáo dục, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp đã đạt được; đồng thời chỉ rõ những tồn tại, khó khăn trong kiên cố hoá trường lớp học, nhà công vụ giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Phó Thủ tướng đề nghị cần chung tay huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đề xuất những chính sách ưu đãi, khuyến khích sự tham gia mạnh mẽ hơn của doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân vào công cuộc xã hội hóa giáo dục; trong đó chú trọng kiên cố hóa trường lớp học, hỗ trợ trang thiết bị dạy học tối thiểu, tăng cường số lượng nhà công vụ cho giáo viên. Ngành giáo dục cần tính đến các yêu cầu thực tiễn phát sinh trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; xây dựng cơ sở dữ liệu ngành và cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học; chỉ đạo việc rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp học để đầu tư và huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãng phí, tiêu cực.
Cần chung tay huy động thêm các nguồn lực xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu kiên cố hóa toàn bộ hệ thống trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long
Đối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục các cấp trên địa bàn; trong đó lưu ý quy hoạch xây dựng và bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển dân số; bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực, thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan giáo dục và đào tạo trong các chương trình mục tiêu quốc gia. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cũng cần chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo; ưu tiên cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học ở vùng khó khăn; giám sát và quản lý chặt chẽ, không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực vào công tác xã hội hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên. |
Nhấn mạnh, giáo dục và đào tạo cần được quan tâm đúng mức để tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị toàn thể các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng chung tay, góp sức cho sự nghiệp giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh đến trường.