Bảo đảm cơ sở vật chất trường, lớp học

NDO - Cơ sở vật chất trường, lớp học được coi là điều kiện tiên quyết trong phát triển giáo dục, nếu thiếu sẽ ảnh hưởng tiêu cực hoặc không thể triển khai các hoạt động dạy và học. Theo Bộ Giáo dục và Ðào tạo, những năm qua, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục từng bước được cải thiện đáng kể, nhất là tỷ lệ phòng học kiên cố tăng hằng năm. Ðến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt khoảng 70%.

Trong số gần 42 nghìn trường mầm non và phổ thông trên toàn quốc, đã có hơn 13 nghìn trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần tích cực nâng cao chất lượng giáo dục. Mặc dù vậy, so với yêu cầu thực tế đặt ra, điều kiện cơ sở vật chất, nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục còn khó khăn, thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu. Việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên ở một số địa phương còn hạn chế.

Nhất là tình trạng lớp học tạm bợ, tranh tre nứa lá còn phổ biến ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cả nước còn khoảng 20% số phòng học chưa kiên cố và 10% là phòng học tạm, học nhờ. Ðặc biệt, giáo dục mầm non còn thiếu hơn 21 nghìn phòng học... Ðiều đó khiến cho ở nhiều trường học, học sinh và giáo viên phải dạy và học trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không đạt chuẩn, ảnh hưởng rất lớn tới chất lượng giáo dục.

Ðể bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học, ngành giáo dục đã huy động các nguồn lực, nhất là nguồn vốn từ chương trình kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên để cải tạo và xây mới phòng học, phòng bộ môn, phòng thiết bị, thư viện và các phòng chức năng theo điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Bộ Giáo dục và Ðào tạo cũng triển khai xây dựng đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 - 2015 và các đề án phát triển trường chuyên, phát triển giáo dục các huyện nghèo, hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú... nhằm tăng cường cơ sở vật chất trường, lớp học.

ÐỂ từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất trường, lớp học cho các cơ sở giáo dục, trong đầu tư cơ sở vật chất, các cấp có thẩm quyền cần tính toán kỹ lưỡng, đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, dành đầu tư cho những nơi còn khó khăn, tránh dàn trải. Mặt khác, các địa phương cũng cần cân đối ngân sách để cấp và hỗ trợ các trường tu bổ và xây dựng mới các phòng học đạt chuẩn; bảo vệ tốt các cơ sở vật chất, trường, lớp học đã có. Ngành giáo dục và các cấp chính quyền cần huy động sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện xã hội hóa giáo dục, động viên các nguồn lực phát triển giáo dục hiệu quả. Cần nhân rộng và biểu dương kịp thời những tấm gương hiến đất, đóng góp tiền của xây dựng trường, lớp học... nhằm từng bước giảm thiểu những thiếu thốn về trường, lớp học hoặc tình trạng trường, lớp học mượn tạm, tranh tre nứa lá một cách hiệu quả. Có vậy mới góp phần bảo đảm các điều kiện tốt nhất phục vụ dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục.