Hương vị Việt Nam trên đất nước Mặt trời mọc

NDO - Dự án Betoaji - Hương vị Việt của những du học sinh, người Việt đang học tập, sinh sống tại Nhật Bản hoạt động đã gần bảy năm, tổ chức dạy nấu ăn món Việt, gây quỹ chăm lo cho học trò nghèo miền núi của Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Lớp học nấu các món Việt Nam dành cho "khách" nước ngoài của dự án Betoaji. (Ảnh: NVCC)
Lớp học nấu các món Việt Nam dành cho "khách" nước ngoài của dự án Betoaji. (Ảnh: NVCC)

Xây cầu nối văn hóa từ món ăn Việt

Đại diện Betoaji chia sẻ, ý tưởng thành lập dự án xuất phát khá ngẫu nhiên khi các thành viên sáng lập nhìn thấy trẻ em vùng cao Tây Bắc co ro trong giá lạnh. Hình ảnh ấy cứ trở đi trở lại, khiến ý tưởng gây quỹ cho trẻ em khó khăn hình thành.

Tới tháng 11/2012, Betoaji chính thức ra đời với biểu tượng là hoa sen, quốc hoa của Việt Nam, tượng trưng cho sự tinh khiết, nảy nở của ước mơ cùng với thông điệp “Sống để chia sẻ, sống để yêu thương”.

Trong những ngày đầu, nhóm tạo quỹ bằng cách tổ chức các chương trình dạy nấu ăn cho chính các bạn trẻ người Việt du học tại Tokyo. Dần dần, hoạt động của Betoaji ngày càng thu hút được đông du học sinh tham gia hơn.

Hương vị Việt Nam trên đất nước Mặt trời mọc ảnh 1

Thông qua việc dạy nấu các món ăn Việt, dự án đã tạo được cầu nối văn hóa, giới thiệu nét đẹp về đất nước, con người ra với bạn bè thế giới.

Hoạt động của nhóm cũng được mở rộng, hướng tới việc mang những nét đặc sắc nhất trong văn hóa và ẩm thực của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế thông qua việc mở các lớp học dạy nấu ăn cho người nước ngoài, kinh doanh các sản phẩm thủ công, giúp nâng cao giá trị của Việt Nam tại Nhật Bản.

Tính đến nay, dự án đã có hơn 100 tình nguyện viên (tình nguyện viên) và nhiều chi nhánh trải rộng khắp Nhật Bản.

Giải thích về cách thức hoạt động của Betoaji, chị Nguyễn Thị Thu Trang, đại diện dự án cho biết: Hằng tháng định kỳ, các chi nhánh của Betoaji trên khắp Nhật Bản sẽ tổ chức các lớp dạy nấu món ăn Việt Nam.

Mỗi chi nhánh sẽ có một nhóm các bạn tình nguyện viên, bao gồm những du học sinh, người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Các bạn trong nhóm tình nguyện viên của Betoaji sẽ đảm nhận các công việc như làm đầu bếp trên lớp dạy nấu ăn, đặt phòng, viết công thức nấu - dịch thuật, chuẩn bị nguyên liệu, phụ trách bếp và phiên dịch trên lớp học.

Hương vị Việt Nam trên đất nước Mặt trời mọc ảnh 2

Đại diện dự án giới thiệu về các hoạt động của Betoaji.

Đặc biệt, “khách” tham gia các lớp học của Betoaji đến từ nhiều lứa tuổi và nền văn hóa khác nhau, từ các bạn sinh viên đại học cho đến các cô các bà nội trợ, các sinh viên quốc tế và cả các bạn trẻ Việt Nam muốn học nấu ăn và giao lưu. Mỗi lớp học của Betoaji có trung bình 5-10 tình nguyện viên và khoảng 20-30 khách. Vào các dịp lễ như Tết Nguyên đán, Giáng sinh, số lượng khách tham gia có thể tăng lên đến 50-60 người mỗi buổi.

“Tất cả các tình nguyện viên đều sẽ không nhận bất cứ một khoản thù lao nào. Bởi tất cả đều mong muốn mở ra một nơi giao lưu kết nối văn hóa bốn phương”, chị Trang chia sẻ.

Bên cạnh đó, Betoaji cũng tham gia tích cực vào các sự kiện văn hóa, điển hình như Festival văn hóa ẩm thực Việt Nam, tiệc Tết Nguyên Đán, tiệc giao lưu giữa Betoaji và doanh nghiệp, và nhiều sự kiện khác. Tại các sự kiện này, ngoài việc giới thiệu các món ăn Việt Nam, các tình nguyện viên của Betoaji còn trình diễn trang phục truyền thống, tiết mục văn nghệ, trò chơi hoặc thuyết trình giới thiệu về Betoaji và văn hóa Việt Nam.

“Qua các hoạt động giao lưu văn hóa này, Betoaji đã phát huy vai trò quảng bá văn hóa, giúp người bản xứ cũng như bạn bè quốc tế có cơ hội giao lưu và tiếp xúc với văn hóa và ẩm thực Việt Nam”, đại diện Betoaji thông tin thêm.

Tiếp sức cho trẻ em khó khăn

Bên cạnh mục đích giới thiệu văn hóa Việt, Betoaji còn mang trong mình sứ mệnh gây quỹ cho trẻ em nghèo tại Việt Nam.

Theo đại diện dự án, các buổi học của Betoaji có thu phí với mức 1.500 yên/người. Sau khi trừ các khoản tiền nguyên liệu và tiền thuê phòng học, các chi nhánh sẽ tổng kết số tiền còn dư và gửi về trụ sở chính ở Tokyo. Những khoản đóng góp này từ các chi nhánh sẽ được gửi về Việt Nam để gây quỹ từ thiện cho trẻ em nghèo đang đối mặt với hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống cũng như học tập.

Xuất thân từ huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk), là một huyện vùng núi, xa trung tâm và đầy khó khăn, chị Nguyễn Thu Hồng - người sáng lập Betoaji hiểu rõ về tình hình khó khăn của quê hương. Do vậy với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của nơi mình sinh ra, chị đã chọn huyện Ea Súp là nơi để Betoaji trao tặng học bổng và gửi gắm những yêu thương tới cho các em nhỏ.

Betoaji đã thành công trong việc thiết lập mô hình Quỹ khuyến học tại huyện Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk) và tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm giúp trẻ em nghèo hiếu học có cơ hội học tập và theo đuổi ước mơ đến trường.

Những em nhỏ may mắn nhận được Quỹ học bổng Betoaji được gọi là "con đỡ đầu" vì Betoaji cam kết hỗ trợ chặt chẽ từ khi các em bước chân vào trường cho đến khi tốt nghiệp đại học. Từ năm 2013 đến 2014, Quỹ học bổng Betoaji đã giúp hơn 120 trẻ em nghèo ở huyện Ea Súp, nhiều trong số họ đã hoàn thành khóa học đại học.

Hương vị Việt Nam trên đất nước Mặt trời mọc ảnh 3

Toàn bộ tiền gây quỹ sẽ được dành để hỗ trợ các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Đến năm 2019, Betoaji đã hỗ trợ 40 "con đỡ đầu". Trong số đó, 33 em đang theo học tại cấp 2 và cấp 3, 6 em đang theo học Đại học Tây Nguyên, Đại học Nha Trang và các trường Đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một em đã tốt nghiệp Cao đẳng Y Đà Nẵng và quay trở về Ea Súp làm việc, đồng thời hỗ trợ quản lý Quỹ học bổng Betoaji.

“Vào các dịp Tết Nguyên đán, các chi nhánh của Betoaji sẽ tổ chức các sự kiện như bánh Tét đổi cơm thịt, bánh Tét đổi áo mưa cho khoảng 1000 em nhỏ ở huyện Ea Súp. Với mong muốn các em sẽ có thêm những bữa cơm có thịt, không còn bị ướt khi đến trường và tạo niềm vui, niềm động viên cho các em”, chị Trang chia sẻ.

Hương vị Việt Nam trên đất nước Mặt trời mọc ảnh 4

Ảnh nhân vật cung cấp.

Từ tháng 3/2020, Betoaji đã phải tạm ngừng tổ chức các lớp học nấu ăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Trước tình hình này, hơn 20 tình nguyện viên của dự án Betoaji Cook Book đã đóng góp trí tuệ, sự nỗ lực để tạo ra cuốn sách nấu ăn và chia sẻ văn hoá Việt Nam với 56 công thức các món ăn từ Bắc đến Nam.

Cuốn sách được trình bày một cách tinh tế và tỉ mỉ, thể hiện tâm huyết của các tình nguyện viên với mong muốn chia sẻ văn hóa ẩm thực Việt Nam với người Nhật. Cuốn sách không chỉ là một tài liệu nấu ăn, mà còn là một phương tiện gây quỹ cho Quỹ học bổng Betoaji. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán sách, sau khi trừ chi phí sản xuất sách, sẽ được gửi vào Quỹ học bổng Betoaji để hỗ trợ trẻ em nghèo có thêm cơ hội học tập.

Tới nay, dự án đã tổ chức được hơn 200 lớp học giới thiệu ẩm thực Việt Nam tại Nhật Bản, thu hút hơn 2.000 lượt khách tham gia. Dự án cũng trao hơn 300 suất học bổng, hỗ trợ 156 trẻ em mồ côi cha mẹ tại Việt Nam, thăm hỏi khám bệnh miễn phí cho 150 em cùng nhiều hoạt động ý nghĩa khác.

Hằng năm, Betoaji nhận được nhiều lá thư từ những "con đỡ đầu" của mình. Trong những thư này, các em chia sẻ về tình hình học tập, những ước mơ trong tương lai và biểu đạt lòng biết ơn sâu sắc đối với những nhà hảo tâm ở cả Việt Nam và Nhật Bản.

Những thành viên của Betoaji tự hào về lứa học trò đã từng nhận học bổng của quỹ khuyến học Betoaji. Các bạn hiện đã trưởng thành, và đang theo đuổi sự nghiệp trong nhiều lĩnh vực như y tế, kỹ thuật. Trong số đó có thể kể đến Đào Trọng Nguyên (nhận học bổng từ cuối năm lớp 11 cho đến khi tốt nghiệp chuyên ngành Y đa khoa, hiện đang làm việc tại bệnh viện tỉnh Củ Chi), Lê Thị Hà (đang công tác tại ngành thực phẩm tại Nha Trang), Hồng Diễm (chuyên ngành tiếng Trung, Đại học Công Thương Việt Nam),...

Ngoài công việc chính, các bạn cũng dành thời gian quay về hỗ trợ nhóm Betoaji tại Việt Nam trong các lĩnh vực như giáo dục, chăm sóc sức khỏe, và hỗ trợ bệnh nhân..

“Các bạn chính là niềm tự hào, là nguồn động lực giúp Betoaji cố gắng từng ngày để có thêm thật nhiều những hoạt động ý nghĩa vì cộng đồng”, chị Nguyễn Thu Trang nhấn mạnh.

“Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize” do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức, với sự tham gia đồng hành của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng sự phối hợp tổ chức của Công ty Cổ phần VCCorp cùng sự đồng hành của ngân hàng TMCP Bắc Á, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank).

Giải thưởng nhằm tôn vinh các cá nhân, tổ chức có những đóng góp tích cực cho xã hội thông qua những sáng kiến, dự án cộng đồng uy tín, mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững. Không chỉ tôn vinh và lan tỏa, Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize còn ra đời với mục tiêu đồng hành, định hướng và kết nối mọi cá nhân và tập thể đã, đang và sẽ mang trên vai trách nhiệm vì cộng đồng trong hành trình của họ.

Rất mong nhận được sự quan tâm và ủng hộ của cộng đồng!

Website chính thức: https://humanactprize.org

Fanpage: https://www.facebook.com/HumanActPrize