Hướng tới phục hồi và phát triển thị trường lao động

Dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong tổng thể của Đề án Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đang dần được hoàn thiện. Trong đó, có những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung bảy vấn đề lớn. 

Sản xuất tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai (Ảnh minh họa: Thiên Vương).
Sản xuất tại một doanh nghiệp trong khu công nghiệp Biên Hòa 2, tỉnh Đồng Nai (Ảnh minh họa: Thiên Vương).

Bảy giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động

Chia sẻ tại tọa đàm trực tuyến “Triển khai giải pháp hỗ trợ và ổn định thị trường lao động trong bối cảnh đại dịch” do Báo Nhân Dân phối hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, Thứ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực tới hàng triệu lao động ở nước ta. Riêng trong quý III, 4,7 triệu lao động bị mất việc làm, 14,7 triệu lao động tạm nghỉ hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Hơn 10 triệu lao động giảm giờ làm, tạm dừng việc làm. Vùng Đông Nam Bộ và vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với tỷ lệ ảnh hưởng lần lượt là khoảng 59% lao động và 44,7% lao động.

Các tác động tiêu cực đến thị trường lao động trong nước:
Nguồn cung lao động và số lao động có việc làm suy giảm
Cơ cấu việc làm chuyển dịch đảo chiều
Tỷ lệ lao động thiếu việc, thất nghiệp làm tăng cao

Trước những tác động nêu trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành và triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23, Nghị quyết 116 và Quyết định 28, nhằm hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Tính đến ngày 14/11, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23 đã hỗ trợ cho 27,62 triệu lượt đối tượng, với tổng kinh phí thực hiện là 27,24 nghìn tỷ đồng,

Cũng đến thời điểm trên, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 và Quyết định 28 đã giải quyết hưởng hỗ trợ bằng tiền cho 11,365 triệu lao động với tổng số tiền hỗ trợ là 27.230 tỷ đồng. Đồng thời, giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 363.600 đơn vị sử dụng lao động, tương ứng 9,68 triệu lao động. Kinh phí tạm tính được điều chỉnh giảm đóng khoảng 7.595 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động trong một bố phận cấu thành của Đề án Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ. Dự thảo này gồm có những cơ chế, chính sách đề xuất tập trung 7 vấn đề lớn. Cụ thể là:

Thứ nhất, hỗ trợ trực tiếp người lao động (các chi phí để mua nhu yếu phẩm, đi lại, chi trả tiền điện, tiền nước, nhà trọ, xét nghiệm Covid-19…).

Thứ hai, hỗ trợ người sử dụng lao động phục hồi, phát triến sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho người lao động.

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng cung lao động cung ứng kịp thời cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh.

Thứ tư, hỗ trợ kết nối cung - cầu lao động.

Thứ năm, phát triển bền vững thị trường lao động (hiện đại hóa quản trị thị trường lao động, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động, việc làm có kết nối chia sẻ với cơ sở dữ liệu về dân cư).

Thứ sáu, bảo đảm điều kiện về nơi sinh sống cho người lao động.

Thứ bảy, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định.

Nguồn kinh phí thực hiện chương trình sẽ do Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí, đề xuất từ nguồn ngân sách Trung ương, huy động từ các nguồn xã hội hóa...

Tìm cơ hội trong thách thức

Thứ trưởng Lê Văn Thanh cũng nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 gây ra những thách thức đối với thị trường lao động Việt Nam. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, sẽ tạo ra những cơ hội để thị trường lao động phát triển.

Để tận dụng được các cơ hội trên, trước hết cần triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp kiểm soát dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã ban hành. Đồng thời. sớm ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, giải pháp trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động. Trong đó, chú trọng các giải pháp tạo việc làm chất lượng cao, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế số và nâng cao hiệu quả các hoạt động kết nối việc làm...

Chia sẻ về vấn đề huy động nguồn lực để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình phục hồi thị trường lao động trong thực tế, theo TS Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương), cần phải bảo đảm ba mục tiêu.

Thứ nhất, giúp người lao động yên tâm trở lại làm việc.

Thứ hai, phải làm sao gói hỗ trợ không làm cho người lao động ở lại nhà. Từ kinh nghiệm ở châu Âu, Mỹ, có những gói hỗ trợ rất hào phóng. Chính vì thế mà rất khó để người lao động quay trở lại làm việc vì đã nhận hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba là sử dụng nguồn lực cho hiệu quả.

TS Nguyễn Tú Anh cho hay, để thực hiện mục tiêu thứ hai, có lẽ cần phải gắn gói hỗ trợ với việc khuyến khích người lao động trở lại làm việc. Thí dụ như tăng thêm tháng lương cho tháng đầu tiên khi họ trở lại làm việc, hỗ trợ chi phí đi lại. Không nên thực hiện hỗ trợ cào bằng, trừ hỗ trợ cho những hộ gia đình nghèo. Đi cùng với chính sách hỗ trợ người lao động cho họ an tâm, cần tính đến tạo điều kiện mở lại trường học cho con em của họ đến trường.

Cũng theo ông Nguyễn Tú Anh, mục tiêu sử dụng nguồn lực cho hiệu quả liên quan đến định hướng và chi phí của gói hỗ trợ. Để định danh người cần hỗ trợ, do nguồn lực có hạn nên phải đánh giá đúng ai thuộc đối tượng cần hỗ trợ. Đây là một việc rất khó, cần phải đẩy nhanh công tác số hóa để thực hiện. Về lâu dài, cần định hướng quy hoạch lâu dài các khu nhà ở gắn với người lao động, bảo đảm vệ sinh an toàn, nâng cao chất lượng cuộc sống của công nhân.

Lao động và việc làm