Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững

NDO - Ngày 16/11, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp Ban Kinh tế Trung ương tổ chức chuỗi các hội thảo chuyên đề với các chủ đề: “Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”; “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị”; “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”, hướng tới tổ chức Hội nghị đô thị toàn quốc 2022.
0:00 / 0:00
0:00
Hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững

Các hội thảo đã thu hút khoảng 50 bài viết, tham luận và các ý kiến đăng ký phát biểu của các diễn giả đến từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, các hội, hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học cũng như ý kiến của các địa phương.

Năm 2022 đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến công tác đô thị hóa và phát triển đô thị ở Việt Nam.

Ngày 24/1/2022, Bộ Chính trị lần đầu tiên đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TW về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 06-NQ/TW), xác định các quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, các mục tiêu và nhiệm vụ giải pháp cụ thể để tăng cường công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 với các nhóm hành động thiết thực cụ thể hóa Nghị quyết 06-NQ/TW.Cũng trong năm 2022, Diễn đàn Đô thị Thế giới lần thứ 11 tổ chức thành công tại thành phố Katowice Ba Lan với chủ đề “chuyển đổi các thành phố vì một tương lại đô thị tốt đẹp”.

Tính đến tháng 9/2022, cả nước đã có 888 đô thị, chiếm khoảng 41,5% dân số cả nước. Các đô thị đã và đang là những động lực phát triển quan trọng của các vùng miền và cả nước, nhất là sau các tác động nặng nề của thiên tai và dịch bệnh thời gian vừa qua. Hệ thống đô thị là nền tảng trung tâm, hình thành các cơ hội mới, cung cấp giải pháp thúc đẩy các hoạt động phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển của các đô thị còn nhiều yếu tố chưa bền vững. Hạ tầng đô thị vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết đô thị chưa được quan tâm và chưa có kế hoạch tổng thể để thực hiện, nguồn lực còn thiếu và chưa được xã hội hóa. Nguồn lực để chống chịu trước thiên tai, dịch bệnh và biến đổi khí hậu còn rất hạn chế...

Tại Hội thảo chuyên đề 1: “Nâng cao chất lượng Quy hoạch đô thị hướng đến phát triển bền vững”, các ý kiến tập trung phân tích, đánh giá và thảo luận về các giải pháp chủ yếu cho công tác lập quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững theo quan điểm và tinh thần của Nghị quyết số 06-NQ/TW; đổi mới tư duy, lý luận và phương pháp quy hoạch đô thị; các yêu cầu bảo đảm để quy hoạch đô thị được phê duyệt có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ và hiện đại, lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm; văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế đô thị, đồng thời với quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước, tạo nguồn lực cho phát triển đô thị.

Hội thảo chuyên đề 2: “Phát triển hệ thống hạ tầng và chỉnh trang tái thiết đô thị” tập trung phân tích, đánh giá, tổng kết kinh nghiệm thực tiễn của địa phương và giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng đô thị; đầu tư và mở rộng, nâng cấp, cơ sở hạ tầng, dịch vụ cho các khu vực nghèo, phi chính thức, khu vực có điều kiện hạ tầng hạn chế để góp phần giải quyết tình trạng đói nghèo, bất bình đẳng, thúc đẩy hòa nhập đô thị; các dự án, chương trình giao thông công cộng, cây xanh, tái thiết đô thị,… cải tạo môi trường, kiến trúc cảnh quan đô thị cần được thúc đẩy; việc triển khai hạ tầng số tại các đô thị phù hợp để thúc đẩy xây dựng nền tảng phát triển đô thị thông minh, tạo nguồn lực tài chính bền vững trong xây dựng mới, cải tạo hệ thống hạ tầng đô thị hiện có.

Tại Hội thảo chuyên đề 3: “Cơ chế, chính sách quản lý phát triển đô thị”, các ý kiến tham luận tập trung đánh giá về sự phối hợp vào cuộc của các cơ quan chức năng để xây dựng, hoàn thiện chính sách liên quan đến công tác quản lý phát triển đô thị; các cơ chế chính sách mang tính đột phá tạo đòn bẩy để phát triển đô thị bền vững, Luật Quản lý và phát triển đô thị và phạm vi điều chỉnh của công tác quản lý phát triển đô thị, các giải pháp về cơ chế chính sách phát huy vị thế, nguồn lực đổi mới, sáng tạo của đô thị Việt Nam. Các yêu cầu đổi mới tạo cơ chế chính sách phát huy tinh thần chủ động sáng tạo của địa phương.

Nhiều ý kiến thiết thực và hiệu quả tại các hội thảo đã gợi mở, tháo gỡ những bất cập hạn chế trong phát triển đô thị, tạo cơ sở, căn cứ để nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển hệ thống đô thị bền vững phù hợp với đặc điểm của các vùng miền, đặc thù, đáp ứng yêu cầu cuộc sống đô thị ngày càng cao của người dân cả nước. Các nội dung trao đổi, thảo luận tại các hội thảo cũng sẽ thiết thực hỗ trợ các địa phương định hướng, đề xuất các chương trình hành động để nắm bắt thời cơ và cơ hội và cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm được đề ra tại Nghị quyết số 06-NQ/TW và Nghị quyết số 148/NQ-CP.