Những khu dân cư chuẩn mực
Đến chung vui với nhân dân Khu phố 1 (Phường 7, Quận 11) trong Ngày hội Đại đoàn kết khu dân cư mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Trung rất ấn tượng với những kết quả Ban công tác Mặt trận và nhân dân của khu phố xây dựng suốt thời gian qua.
Tính đến tháng 8/2024, khu phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo; khu phố duy trì một tổ tự quản giảm nghèo; một tổ tiết kiệm vay vốn với tổng số tiền vay hơn 1,5 tỷ đồng.
Khu phố có tỷ lệ trẻ năm tuổi vào mẫu giáo và sáu tuổi vào lớp 1 đạt 100%; không có trẻ nghỉ, bỏ học; 100% trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng; không có trẻ suy dinh dưỡng; không có trẻ lang thang, đi ăn xin; không có trẻ bị lạm dụng sức lao động; không có trẻ bị hành hạ, ngược đãi và không có trẻ tham gia vào hoạt động tệ nạn xã hội; 497 hộ gia đình văn hóa đạt tỷ lệ gần 100%.
Thời gian qua, khu phố đã vận động các nguồn lực để hỗ trợ năm hộ dân vươn lên thoát nghèo, ba hộ thoát cận nghèo, góp phần tạo nên sự đồng thuận trong nhân dân; tình hình an ninh, trật tự được bảo đảm.
Còn tại Khu phố 3, phường Phước Long B, thành phố Thủ Đức, những hoạt động rất giản dị hằng ngày được tổ chức trong các tuyến hẻm, khu dân cư từ nhiều năm qua trở thành "chất keo" kết nối nhân dân trên địa bàn.
Ông Trần Trung Sơn, Trưởng Khu phố 3 cho biết, nhân dân trên địa bàn bao gồm nhiều thành phần, việc gắn kết các gia đình, cá nhân được Ban công tác Mặt trận và các đơn vị thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp, trong đó, các hoạt động thăm nom, hỗ trợ nhau, kết nối việc làm, thực hiện an sinh xã hội, bảo vệ môi trường,… được tổ chức thường xuyên. Điều quan trọng nhất là nhân dân thấy sự đoàn kết, lợi ích trong cộng đồng dân cư cho nên luôn nhiệt thành ủng hộ.
Tại thành phố Thủ Đức, thông qua sự triển khai phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, các hoạt động bảo vệ môi trường, vận động xây dựng các nhóm hộ mô hình tự quản về vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; xây dựng các công trình phúc lợi, công trình dân sinh, trồng cây xanh,… trên địa bàn khu dân cư nhận được sự đồng hành, tham gia của đông đảo người dân. Người dân đã tham gia đóng góp kinh phí để xây dựng các công trình an sinh trên địa bàn.
Tại phường An Thới Đông, Quận 12, Khu phố 10 và Khu phố 11 được thành lập trên cơ sở sắp xếp các tổ dân phố thuộc Khu phố 1 cũ. Sau sắp xếp, hai khu phố có 1.211 hộ dân với 3.706 nhân khẩu. Mặc dù có những thay đổi lớn trong hồ sơ, nguồn nhân lực nhưng ngay sau khi thành lập, nhân sự khu phố mới bắt tay ngay vào việc xây dựng tiêu chí khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, thực hiện tốt Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; tập trung giải quyết các ý kiến phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Nhờ sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân, các mô hình như camera an ninh và tổ liên gia, tổ tự quản về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự được triển khai hiệu quả. Đến nay Khu phố 10 và Khu phố 11 đã xã hội hóa để thành lập được năm tổ liên gia và 10 tổ tự quản trong khu nhà trọ về phòng cháy, chữa cháy và an ninh trật tự với 112 thành viên. 100% hộ dân thực hiện cam kết không vi phạm trật tự xây dựng; đăng ký các công tác bảo vệ môi trường.
Tiếp tục đổi mới hình thức hoạt động
Mới đây, khi tham dự Ngày hội Đại đoàn kết khu dân cư tại Khu phố 10 và Khu phố 11, phường An Thới Đông, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh rất ấn tượng với sự hiệp lực của các tầng lớp nhân dân trong xây dựng khu dân cư, nhất là những sáng kiến, cách làm hay trong thực hiện các phong trào, các cuộc vận động từ thành phố đến địa phương. Chia sẻ với người dân, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, với vùng đất giàu truyền thống cách mạng như An Phú Đông, việc phát huy hiệu quả các mặt công tác là một truyền thống hết sức có giá trị và cần tiếp tục được phát huy.
Chia sẻ cùng người dân tại đây, lãnh đạo Thành ủy nhấn mạnh, Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư là hoạt động thường niên để mọi người gặp gỡ, ôn lại truyền thống, giao lưu, cùng nhau nhìn lại những thành quả đã làm được, định hướng công việc cho tương lai. Trong không khí sôi nổi, phấn khởi đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên mong nhân dân trên địa bàn ra sức thi đua lập nhiều thành tích, công trình để hướng đến kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong đợt hoạt động cao điểm của Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc vừa qua, hệ thống Mặt trận thành phố đã trao 132 căn nhà tình thương, tình nghĩa (sửa chữa, xây mới) tặng các hộ gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo và hộ khó khăn; trao gần 47.000 phần quà tặng gia đình chính sách khó khăn, hộ nghèo, và trẻ em mồ côi do Covid-19. Nhiều nội dung thiết thực khác cũng được các đơn vị triển khai hiệu quả như: Đăng ký thực hiện hơn 25.000 công trình về công tác giảm nghèo, bảo đảm an ninh trật tự, gắn camera an ninh, vệ sinh môi trường, vận động Quỹ "Vì người nghèo", Quỹ "Vì biển, đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc" năm 2025 nhằm hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
Theo đánh giá của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, sau khi sắp xếp, chia tách khu dân cư, cán bộ Ban công tác Mặt trận khu dân cư đa phần là nhân sự mới, còn thiếu kinh nghiệm tổ chức, điều hành cho nên vẫn còn hạn chế trong công tác tổ chức triển khai, đồng thời cơ sở vật chất ở một số khu dân cư cũng còn nhiều khó khăn về địa điểm, trang thiết bị phục vụ…; một số khu dân cư chưa tận dụng hết các nguồn lực xã hội hóa, chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí do địa phương cấp, dẫn đến chất lượng tổ chức ngày hội chưa đồng đều giữa các khu dân cư. Từ thực tế đó, nhiều địa phương cũng đề xuất việc thực hiện các hoạt động liên quan đến ngày hội, xây dựng văn hóa đời sống khu dân cư cần phù hợp tình hình, điều kiện thực tế của địa phương; mở rộng các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, các trò chơi dân gian, truyền thống,... nhằm thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Sau khi sắp xếp, khu phố, ấp, thành phố hiện có khoảng 5.242 khu phố, ấp. Mặc dù có nhiều thay đổi sau sắp xếp nhưng hoạt động tại các cộng đồng dân cư vẫn được nhân dân thành phố phát huy, giữ gìn như một nét đặc trưng vốn có. Qua hơn 20 năm tổ chức, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, hoạt động này đã trở thành phương thức để Mặt trận Tổ quốc các cấp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngày hội được tổ chức rộng khắp góp phần phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa, gắn kết các cộng đồng dân cư, lan tỏa tinh thần tương thân tương ái; nghĩa tình, tự quản; là nơi tập hợp, lắng nghe và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Từ những hoạt động ý nghĩa này, các cộng đồng dân cư đã xuất hiện, là nơi khởi nguồn của nhiều mô hình, cách làm hay về sự đoàn kết, bảo vệ môi trường, đóng góp của các tầng lớp nhân dân về những sáng kiến, ý tưởng để góp phần xây dựng và phát triển thành phố.
Thực tiễn cuộc sống cũng đặt ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi Mặt trận các cấp, Ban công tác Mặt trận ở các khu dân cư tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động. Các hoạt động phải gắn với thực tiễn, sâu sát hơn nữa với đời sống nhân dân; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát, nâng cao vai trò phản biện xã hội để thực hiện tốt vai trò cầu nối, giữ vững niềm tin của nhân dân với Đảng, gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân.