Quảng Ngãi: Tăng cường các biện pháp giảm thiểu trẻ em gái mang thai và bị xâm hại tình dục

NDO - Trước thực trạng trẻ em vị thành niên, trẻ em có độ tuổi từ 14 đến 16 tuổi mang thai, bị xâm hại tình dục, các huyện miền núi và ngành chức năng tỉnh Quảng Ngãi triển khai nhiều biện pháp hạn chế tình trạng trẻ em gái mang thai.
0:00 / 0:00
0:00
Cần khảo sát, nghiên cứu thực trạng trẻ em gái mang thai để đưa ra những biện pháp giảm thiểu hiệu quả.
Cần khảo sát, nghiên cứu thực trạng trẻ em gái mang thai để đưa ra những biện pháp giảm thiểu hiệu quả.

Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi về việc khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em mang thai, sinh con ở độ tuổi vị thành niên, các huyện miền núi tập trung thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch về trẻ em và lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, các chương trình khác tại địa phương; tổ chức kiểm tra hoạt động Ban điều hành Bảo vệ chăm sóc trẻ em và Nhóm công tác liên ngành cấp xã.

Đồng thời, rà soát, quản lý trẻ em trên địa bàn nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng để thực hiện bảo vệ trẻ em ở cả 3 cấp độ: phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp.

“Huyện yêu cầu các xã, thị trấn, phòng ban nắm bắt tình hình, chủ động phát hiện những hành vi bạo lực, xâm hại, vi phạm quyền trẻ em. Đồng thời, lập hồ sơ quản lý, can thiệp, trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại theo Luật Trẻ em; đảm bảo bí mật đời sống riêng tư của trẻ em, không để trẻ em bị tổn thương trong quá trình điều tra, giải quyết vụ việc bạo lực, xâm hại”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trà Bồng Đỗ Đình Phương khẳng định.

Các huyện Ba Tơ, Trà Bồng, Sơn Hà và Sơn Tây tăng cường công tác kiểm tra bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc lồng ghép nội dung kiểm tra chuyên ngành, liên ngành nhằm phát hiện, xử lý nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm, bao che, chậm trễ xử lý các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Bên cạnh đó, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng mạng xã hội phổ biến giáo dục pháp luật, thông báo tình hình hoạt động diễn biến tội phạm xâm hại tình dục đến các khu dân cư, thôn, bản, nhất là các địa bàn từng xảy ra các vụ xâm hại trẻ em nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động lĩnh vực này.

Công an các huyện miền núi tập trung tuyên truyền quy định của Bộ luật Hình sự về tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; hướng dẫn cách nhận biết, xử lý một số tình huống xâm hại tình dục trẻ em để nâng cao cảnh giác, phòng ngừa cho gia đình, nhà trường, cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở.

Đồng thời, tăng cường năng lực cho công an cấp xã quản lý địa bàn; nâng cao chất lượng công tác phối hợp liên ngành, trao đổi thông tin liên quan đến phòng, chống xâm hại trẻ em; tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nói chung, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em nói riêng; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý nghiêm các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bảo đảm tiến hành các hoạt động tố tụng đúng theo quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang, huyện đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý với mục tiêu 100% thông tin tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ xâm hại trẻ em đều được phân loại, xử lý, và giải quyết; 100% các vụ án xâm hại tình dục trẻ em được làm rõ được nguyên nhân, điều kiện phạm tội để đưa ra các yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có biện pháp phòng ngừa tốt hơn; kéo giảm 10% số vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như nhà nghỉ, karaoke và xử lý nghiêm trách nhiệm nếu để xảy ra xâm hại tình dục trẻ em; tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ số đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em, đối tượng có lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn...

Các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi tăng cường giáo dục giới tính và kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục cho học sinh; triển khai công tác tư vấn tâm lý học đường và công tác xã hội trong trường học; hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về trẻ em.

Đẩy mạnh việc giáo dục toàn diện về kỹ năng sống, kiến thức giới tính, sức khỏe sinh sản cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt câu lạc bộ; phối hợp chặt chẽ với gia đình trong quản lý, giáo dục và bảo vệ trẻ em.

Cần khảo sát quy mô sâu, rộng để có biện pháp giảm thiểu trẻ em mang thai

Trẻ vị thành niên, nhất là trẻ em gái dưới 16 tuổi mang thai, sinh con sớm ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, sức khỏe. Vì vậy, trước thực trạng này, ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi cùng tuyến cơ sở tập trung hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ưu tiên tiếp nhận, điều trị, tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực, kỹ năng cho cán bộ y tế trong việc chăm sóc, tư vấn sức khỏe đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại; phối hợp với Công an cùng cấp kịp thời áp dụng các biện pháp nghiệp vụ y tế nhằm bảo vệ chứng cứ, tránh làm mất dấu vết của tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Đồng thời, rà soát và nâng cao hiệu quả thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi; tổ chức tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức cho người dân nhằm xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh.

Hiện nay, một số cơ quan, đơn vị ngành chức năng liên quan đang tiếp tục thống kê, rà soát sơ bộ tình trạng trẻ vị thành niên, trẻ em gái từ 14-16 tuổi mang thai, sinh con trong những năm qua.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi Lê Na cho biết, Hội đang đề nghị các cấp hội cơ sở rà soát, thống kê để xác định rõ số trẻ em gái mang thai và tình hình thực tế tại địa phương để có biện pháp trong thời gian đến. “Chúng tôi rà soát lại để có biện pháp từng bước sao cho cụ thể, hiệu quả. Trước mắt sẽ thăm, hỗ trợ cho các bé có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn; sau đó sẽ triển khai các công tác tuyên truyền, trang bị kỹ năng cho trẻ em, phụ nữ với cách thức đổi mới, hiệu quả hơn trước”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Quảng Ngãi Lê Na khẳng định.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi Võ Thanh Tân, để có những biện pháp hạn chế tình trạng trẻ em vị thành niên mang thai cần có cuộc khảo sát quy mô sâu, rộng lĩnh vực này. “Cần khảo sát quy mô sâu, rộng hơn về đề tài vị thành niên, các yếu tố liên quan đến kiến thức, thái độ, hành vi về tình trạng sinh đẻ, mang thai ở vị thành niên khu vực miền núi, các yếu tố liên quan như trình độ văn hóa, kinh tế, tập quán, ảnh hưởng của gia đình, bố mẹ, họ tộc, chính quyền… đến hành vi mang thai và sinh con sớm ở trẻ em gái”, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi Võ Thanh Tân kiến nghị.