Hướng tín dụng thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Hiện nay, Việt Nam đang xây dựng và hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, huy động và khai thác các nguồn lực hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, ưu tiên nguồn lực tài chính hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp cận công nghệ tiên tiến. Chính sách tín dụng xanh được coi là một giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu kinh tế tuần hoàn. Các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận hiệu quả nguồn vốn tín dụng xanh.
0:00 / 0:00
0:00
Giao dịch khách hàng tại Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc.
Giao dịch khách hàng tại Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 30/6, dư nợ cấp tín dụng đối với các dự án xanh đạt hơn 474.000 tỷ đồng, tăng 7,08% so năm 2021, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (47%), nông nghiệp xanh (32%). Dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt hơn 2.283 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 20% dư nợ cho vay của nền kinh tế, với hơn 1,1 triệu món vay. Với những định hướng và lộ trình chính sách của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sự nỗ lực không ngừng của các tổ chức tín dụng, tín dụng xanh đang có những bước phát triển tích cực và ngày càng được quan tâm, với hạn mức đầu tư tăng lên từng ngày. Tuy nhiên, nghiên cứu từ Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cũng cho thấy, để thực hiện lộ trình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát thải ròng bằng "0", Việt Nam dự kiến sẽ cần huy động nguồn lực tài chính thêm khoảng 6,8% GDP hằng năm, tương đương với khoảng 368 tỷ USD từ nay đến năm 2040, trong đó cần huy động từ khu vực tư nhân khoảng 50%. Nhu cầu đầu tư sẽ tập trung lớn vào năng lượng, giao thông, nông nghiệp và công nghiệp.

Là một ngân hàng thương mại nhà nước kiên định với sứ mệnh "Tam nông", với mục tiêu hướng tới xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã và đang tập trung ưu tiên nguồn vốn, mở rộng cho vay có hiệu quả các dự án, chương trình phát triển sản xuất, kinh doanh khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các chương trình, dự án tạo ra giá trị tăng thêm, năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,… Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Agribank đạt 1,77 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 896 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 70% tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Agribank dần trở thành "mắt xích" quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo nên các sản phẩm nông nghiệp đạt chất lượng, có giá trị hàng hóa cao. Từ nguồn vốn của Agribank, các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao bước đầu được hình thành, hướng tới đạt được các mục tiêu của nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững. Trang trại gà của Hợp tác xã chăn nuôi giống gia cầm Hải Thêu (thôn Dộc Lịch, xã Hướng Ðạo, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc) là một trong những địa chỉ như vậy. Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, ông Ðào Xuân Hải, chủ trang trại cho biết: Với 50 triệu đồng vốn vay Agribank từ năm 2000, ban đầu gia đình đầu tư 10ha đất để trồng cây ăn quả. Năm 2003, chuyển sang nuôi gà đẻ siêu trứng nhập ngoại. Nhưng rồi chính đợt làm ăn này đã khiến gia đình "trắng tay" khi dịch cúm gia cầm hoành hành, đàn gà của nhà ông buộc phải tiêu hủy toàn bộ. Thất bại không nản lòng, năm 2005, ông lại tiếp tục vay Agribank để đầu tư xây dựng khu chuồng trại khép kín. Sau thời gian nhờ chịu khó học hỏi nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi cũng như áp dụng công nghệ hiện đại, đến nay, trang trại gà của ông đã phát triển lên tổng quy mô hơn 200 nghìn con. Tổng kinh phí đầu tư cho trang trại, máy móc hiện đại phục vụ chăn nuôi, bảo đảm thân thiện với môi trường, đã lên tới gần 100 tỷ đồng. Doanh thu mỗi tháng ước 5-6 tỷ đồng; riêng sáu tháng đầu năm 2022, trừ chi phí, ông Hải ước tính thu lợi khoảng 500-700 triệu đồng. Với quy trình chăn nuôi khép kín tuần hoàn, trang trại gà của ông bảo đảm từ tự sản xuất cám phục vụ nhu cầu ăn của đàn gà với sản lượng mỗi ngày từ 13-15 tấn; đến xử lý, tiêu thụ chất thải bán ra thị trường mỗi năm hơn 1.000 tấn. Ðặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 vừa qua, khi có đến 100 nghìn con gà bị dồn ứ tại trang trại không thể bán được, ông Hải chia sẻ nếu Agribank không kịp thời cho vay mới 3 tỷ đồng để đầu tư mua thêm cám duy trì đàn gà và trả lương cho người lao động, thì trang trại của ông cũng khó có thể tồn tại và phát triển được đến ngày hôm nay.

Cũng theo Phó Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc Trần Ðức Long: Không chỉ trong đại dịch, Agribank chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc mới hỗ trợ khách hàng. Chi nhánh luôn chủ động triển khai chính sách hỗ trợ khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn nói riêng và khách hàng nói chung. Ðiển hình như, cơ cấu lại thời hạn trả nợ không chuyển nhóm nợ. Ðây là chính sách rất hiệu quả trong bối cảnh khách hàng gặp nhiều khó khăn chịu áp lực trả nợ gốc, lãi. Bên cạnh đó, chi nhánh tiếp tục cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh nghiệp quy mô lớn để làm động lực thúc đẩy kinh tế nói chung; cho vay hỗ trợ lãi suất tiêu dùng,… Các chính sách lớn này triển khai cho các khách hàng với dư nợ hơn 1.823 tỷ đồng rất hiệu quả, với lãi suất ưu đãi giảm từ 2-2,5% so với lãi suất thông thường và được khách hàng đón nhận rất tích cực. Ðến thời điểm ngày 31/7, dư nợ cho vay trên địa bàn nông nghiệp nông thôn của Agribank chi nhánh Vĩnh Phúc đạt 9.200 tỷ đồng chiếm 70% trên tổng dư nợ chi nhánh. Trong quá trình cho vay này, Chi nhánh cũng tích cực tìm kiếm dự án mô hình sản xuất, kinh doanh phương án hiệu quả để đầu tư vốn như nông nghiệp sạch, công nghệ cao, mô hình liên quan đến kinh tế tuần hoàn,… Ngoài ra, ngân hàng cũng đang triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo Nghị định 31 của Chính phủ, Thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Bước đầu, chi nhánh đã tiếp cận 20 khách hàng với dư nợ cho vay 1 tỷ đồng.