Hướng nguồn lực kiều hối vào đầu tư hạ tầng

NDO - Ngày 23/4, tại buổi Tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng” do báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức, đại diện Ngân hàng Nhà nước, các sở, ngành, chuyên gia, kiều bào, doanh nghiệp… đưa ra nhiều ý kiến nhằm tìm ra giải pháp xây dựng cơ chế chính sách, tạo hành lang pháp lý huy động hiệu quả nguồn lực kiều hối vào sự phát triển hạ tầng của Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu chủ tọa tại tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”. (Ảnh SGGP)
Các đại biểu chủ tọa tại tọa đàm “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”. (Ảnh SGGP)

Cần vốn lớn, ngân sách… nhỏ

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong, nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của cả nước. Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã nỗ lực hết mình và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, khát vọng phát triển thành phố là rất lớn.

Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh có những nút thắt đang cản trở sự phát triển. Một trong những điểm nghẽn lớn nhất chính là hạ tầng. Tình trạng ùn tắc giao thông làm cho việc đi lại khó khăn; tình trạng thiếu trường lớp; bệnh viện quá tải, xuống cấp…

Theo ông Tăng Hữu Phong, nguyên nhân chính của những lực cản trên là thiếu nguồn lực. Trong khi ngân sách còn hạn chế thì chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đầy đủ để huy động tổng lực nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư cho phát triển hạ tầng.

Hướng nguồn lực kiều hối vào đầu tư hạ tầng ảnh 1

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu.

Phân tích về nhu cầu vốn trong đầu tư hạ tầng, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sở đang phụ trách các chương trình về nhà ở xã hội; cải tạo chung cư, di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, hạ tầng đô thị.

Về nhà ở xã hội, Chương trình nhà ở xã hội được thành phố thông qua giai đoạn 2021-2025 xây dựng 35.000 căn, giai đoạn 2026-2030 khoảng 58.000 căn. Song song đó, Trung ương giao Thành phố Hồ Chí Minh chỉ tiêu xây dựng 26.000 căn giai đoạn 2021-2025, nằm trong chương trình xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Theo tính toán, tổng kinh phí xây nhà ở xã hội cho giai đoạn 2021-2025 cần 37.700 tỷ cho 35.000 căn, giai đoạn 2026-2030 cần 86.400 tỷ đồng đầu tư cho 58.000 căn.

Tuy nhiên, thực tế ngân sách Thành phố Hồ Chí Minh chỉ bố trí được khoảng 10%. Số còn lại bắt buộc phải huy động từ nguồn lực xã hội.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh Phan Công Bằng cho biết, nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết hệ thống hạ tầng giai đoạn 2021-2025 là 533.529 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 437.125 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố đã được Quốc hội thông qua là 142.557 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu nguồn vốn ngân sách để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông.

Phát hành trái phiếu kiều hối đầu tư hạ tầng

Trong những năm gần đây, kiều hối trở thành nguồn lực vàng, rất lớn, rất ổn định, tăng dần theo thống kê hàng năm. Ước tính hiện có hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có khoảng 2,3 triệu người có liên hệ với thành phố. Chính những người Việt Nam xa xứ này đã đem lại nguồn lực khá lớn cho đất nước.

Cụ thể, lượng kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đạt 9,46 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022, quý I/2024 kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt gần 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ.

Các thống kê chính thức cho thấy lượng kiều hối về thành phố cao hơn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, như năm 2023 là 9,46 tỷ USD, gấp gần 3 lần FDI.

Đầu năm 2023, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã giao Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Đề án “Chính sách thu hút và phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn thành phố”.

Hướng nguồn lực kiều hối vào đầu tư hạ tầng ảnh 2

Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh.

Thông tin về Đề án này, bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, một trong những mục tiêu chính của đề án là nắn dòng kiều hối vào hạ tầng, vào sản xuất, kinh doanh… để tạo sản phẩm cho xã hội, tạo công ăn việc làm.

Cụ thể là khi đề án được triển khai, sẽ có ít nhất 5 dự án phát triển kinh tế-xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh có sự đóng góp từ nguồn lực kiều hối. Một trong những sản phẩm chính của đề án là trái phiếu kiều hối.

Bên cạnh đó là 8 nhóm giải pháp để thực hiện chính sách thu hút và phát huy nguồn lực kiều hối như: tăng cường thông tin tuyên truyền, hỗ trợ nâng cao tay nghề của người lao động khi ra nước ngoài làm việc…

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản Toàn Cầu, ước tính, với khoảng 5,5 triệu kiều bào trên thế giới, thu nhập bình quân 20.000 USD/năm, số thu nhập này của kiều bào khoảng 100 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2023, kiều hối chuyển về Việt Nam chỉ khoảng 16 tỷ USD thì tiềm năng kiều hối còn lớn.

Hướng nguồn lực kiều hối vào đầu tư hạ tầng ảnh 3
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính – Bất động sản Toàn Cầu tại buổi tọa đàm.

Do đó, một kế hoạch phát hành trái phiếu cho kiều bào tại nhiều nước mà kiều bào có thu nhập cao và có khả năng đóng góp cho việc phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cần được nghiên cứu và triển khai càng sớm càng tốt.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu khẳng định: "Phát hành trái phiếu cho kiều bào, tôi tin rằng 70% thành công với điều kiện Thành phố Hồ Chí Minh minh bạch về tài chính, khả năng thu thuế như thế nào. Đặc biệt trái phiếu không có tài sản đảm bảo thì khả năng thu thuế. Trái phiếu này tài trợ cho những dự án đặc biệt nào, gắn liền với dự án chứ không chung chung hạ tầng. Hơn nữa, nguồn trả nợ như thế nào. Nếu đáp ứng được 2 yếu tố trên thì kiều bào sẽ bỏ tiền vào hạ tầng cơ sở".

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, một hộ gia đình khi nhận kiều hối, ngoài chi tiêu, nâng cao đời sống, còn dùng nguồn tiền đó để sản xuất kinh doanh, mua trái phiếu địa phương… là những hiệu quả to lớn hơn, đột phá hơn.

Các giải pháp phát hành trái phiếu địa phương, xây dựng hạ tầng... không phải giải pháp mới mà để thành phố định hướng dòng kiều hối chảy vào xây dựng hạ tầng thì cần phải thông tin tuyên truyền để người dân có sự lựa chọn phù hợp, từ đó có thể nắn dòng kiều hối vào nơi mong muốn. Do đó, nội dung buổi tọa đàm này có ý nghĩa rất lớn. Có thể chưa ra được chính sách ngay, nhưng là nền tảng để xây dựng chính sách nắn dòng kiều hối vào hạ tầng là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.