Hướng đi bền vững của nông nghiệp Bắc Ninh

Nhiều năm qua, Bắc Ninh được biết đến là điểm sáng về thu hút đầu tư và tăng trưởng kinh tế, với các chỉ số về công nghiệp, xuất khẩu luôn trong tốp dẫn đầu cả nước. Đối với nông nghiệp, do tổng diện tích canh tác không lớn, chỉ hơn 31 nghìn ha nên tỉnh hướng trọng tâm vào phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
0:00 / 0:00
0:00
Trang trại DelcoFarm tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).
Trang trại DelcoFarm tại xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

Theo quy hoạch tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị Bắc Ninh đến năm 2045, nông nghiệp được xác định là vùng dự trữ năng lượng, là vùng đệm cho kinh tế phát triển bền vững. Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2025 nâng tỷ trọng giá trị nông nghiệp công nghệ cao chiếm từ 35-40% tổng giá trị toàn ngành.

Nhiều giải pháp phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Để hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, nhiều giải pháp về quy hoạch, chính sách hỗ trợ đã được Bắc Ninh triển khai từ sớm. Trong đó, khu thực nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh được xây dựng từ năm 2008, diện tích 17ha, vốn đầu tư hơn 129 tỷ đồng.

Đến nay, khu thực nghiệm đã ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống và sản xuất hoa lan hồ điệp, lan vũ nữ, hoa ly với diện tích 6.000m2 nhà lưới; hằng năm, cung cấp ra thị trường hơn 100.000 cây, cành hoa. Cùng với đó, khu thực nghiệm xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với tổng diện tích 10ha…

Các ứng dụng này đều cho thu nhập cao, có mô hình đạt hàng tỷ đồng một năm. Ông Lê Quang Hải, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học-công nghệ tỉnh Bắc Ninh, đơn vị vận hành khu thực nghiệm cho biết: Những ứng dụng tiến bộ khoa học-công nghệ đã giúp tăng năng suất từ 15-20% so với phương pháp truyền thống; nhiều giống cây, con, hoa mới cho năng suất, chất lượng cao đã được cung cấp ra thị trường.

Để thay đổi tư duy, hướng đến nền nông nghiệp xanh, chất lượng, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Gần nhất là Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND, khắc phục những bất cập của các chính sách trước đây.

Theo đó, tỉnh hỗ trợ 50% giá giống cho các vùng sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng cao tập trung; 50% kinh phí mua phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, chế phẩm sinh học trong một năm đầu; hỗ trợ tối đa ba tỷ đồng/dự án đổi mới trang thiết bị, dụng cụ tiên tiến, tiếp nhận chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tối đa 200 triệu đồng/nhà lưới, hai tỷ đồng/nhà màng, nhà kính phục vụ sản xuất; hỗ trợ 30% kinh phí mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, OCOP và ngành nghề nông thôn. Ngoài ra, tỉnh có các hỗ trợ khác về xây dựng nhãn hiệu sản phẩm, tín dụng, thưởng cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP…

Gia tăng tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nhận thấy tiềm năng của nông nghiệp công nghệ cao, năm 2017, anh Bùi Xuân Quế ở xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, đã từ bỏ công việc tại một doanh nghiệp nước ngoài với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng để về quê đầu tư vào nông nghiệp, trồng các cây như su hào, bắp cải, dưa lê, dưa baby...

Được sự hỗ trợ của tỉnh và các ngành, địa phương, anh đã xây dựng nhà màng bảo ôn, có hệ thống làm mát, bón phân, tưới nước tự động. Đến nay, mỗi tháng, gia đình thu hoạch hơn 10 tấn dưa; mỗi năm, mô hình đem lại doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 20%.

Anh Quế cho biết: Để tiện chăm sóc, gối vụ, bảo đảm sản phẩm thu hoạch đều, diện tích nhà màng rộng hơn 5.200m2 được chia làm bốn khu trồng dưa luân phiên cách nhau khoảng 20 ngày. Toàn bộ nông sản đều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Các quy trình trồng và chăm sóc dưa được quản lý nghiêm ngặt, sử dụng phân bón từ chế phẩm sinh học...

Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp về cơ cấu kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nên giá trị sản xuất nông nghiệp tại Bắc Ninh tăng nhanh, từ 17,2 triệu đồng/ha (năm 1997) lên 139 triệu đồng/ha (năm 2022). Tỷ trọng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm hơn 30% giá trị toàn ngành; thu nhập của nông dân không ngừng được nâng lên.

Bắc Ninh hiện có 72 trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, tổng diện tích hơn 161ha, gồm 25 cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP; 24 cơ sở sản xuất rau, củ, quả; 47 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính; 165 vùng nuôi cá trong ao đất (quy mô 10ha trở lên) với tổng diện tích 3.229ha…

Theo ông Đặng Trần Trung, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh, đối với một địa phương có diện tích đất tự nhiên hẹp, mật độ dân số đông, nhưng lại có lợi thế về vị trí địa lý như tỉnh Bắc Ninh thì việc phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hết sức cần thiết. Thời gian tới, địa phương tiếp tục chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng hàng hóa; triển khai các dự án của ngành, xây dựng các sản phẩm OCOP theo hướng chất lượng và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Bắc Ninh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao như vay vốn, hỗ trợ giống, vật tư, đầu tư hạ tầng nông nghiệp. Tỉnh tăng cường thu hút nguồn lực để đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ, nâng cao hàm lượng khoa học-công nghệ của nông sản; đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao theo hướng tập trung, quy mô phù hợp điều kiện và lợi thế của địa phương.